Trái cây nội: Khi “bụt chùa nhà” vẫn chưa thiêng!

GD&TĐ - Hiện nay, tại hầu hết các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống, cửa hàng bán hoa quả... trên địa bàn Hà Nội, trái cây nhập khẩu được bày bán tràn lan với giá cả không chênh so với các loại trái cây trong nước nên đã được đông đảo người tiêu dùng mua khiến trái cây nội “lép vế” ngay trên chính sân nhà...

Trái cây nội: Khi “bụt chùa nhà” vẫn chưa thiêng!

Lép vế trên sân nhà

Tại các siêu thị như: Big C, Fivimart, Intimex, Vinmart, cũng như các chợ truyền thống, cửa hàng kinh doanh hoa quả... nhiều loại trái cây nhập ngoại được bày bán tràn lan, với bao bì, màu sắc rất bắt mắt nên đã chiếm được tình cảm của đông đảo người tiêu dùng trong nước.

Tại siêu thị Big C trên đường Trần Duy Hưng, hay siêu thị Fivimart trên đường Trúc Khê những hộp táo, lê, nho, cherry... tươi rói có xuất xứ nhập khẩu từ các nước như: Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Canada, Nam Phi... có giá dao động từ 90.000 đến 250.000đ/kg. Chị Nguyễn Thanh Tình - nhân viên bán hàng tại siêu thị Fivimart trên đường Trúc Khê cho biết, trái cây nhập khẩu tuy có đắt hơn trái cây trong nước nhưng có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng nên khách hàng có thể yên tâm. Hiện siêu thị có rất nhiều loại hoa quả khác nhau, nhưng loại được bán chạy nhất vẫn là các loại trái cây bình dân như táo có giá 90 - 100.000đ/kg, nho xanh có giá khoảng 100.000đ/kg, nho đỏ không hạt có giá khoảng 170.000đ/kg...

“Trước đây, trái cây nhập khẩu chủ yếu được người tiêu dùng mua để làm quà, thì nay họ mua về phục vụ nhu cầu của gia đình, bởi giá trái cây nhập khá phải chăng so với thu nhập của nhiều người, đồng thời cũng không đắt hơn nhiều so với trái cây nội nên được mọi người lựa chọn” - chị Tình chia sẻ.

Không chỉ ở các siêu thị, ngay cả ở các chợ truyền thống, nhiều loại quả nhập ngoại cũng được bày bán la liệt, giá cả không chênh nhiều so với các loại hoa quả nội. Chị Nguyễn Thu Phương - ở phố Nguyên Hồng đang chọn mua tại một sạp hoa quả ở chợ Thành Công chia sẻ, trái cây ngoại ngon, giá lại tương đối rẻ, hình thức đẹp, chất lượng cũng yên tâm hơn do tin tưởng vào khâu kiểm định trong quy trình nhập khẩu nên chị thường xuyên mua về dùng. Còn đối với trái cây trong nước tuy có nhiều nhưng không rõ nguồn gốc, chất lượng, mẫu mã không mấy bắt mắt... Ngược lại, những loại trái cây nhập khẩu cùng chủng loại với trái cây Việt Nam nhưng mẫu mã đẹp, lại bắt mắt và ngon nên người tiêu dùng chọn mua.

Cần có chiến lược phù hợp

Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, cả nước đã chi 754 triệu USD để nhập khẩu rau quả, tăng hơn 18,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, lượng rau quả nhập khẩu nhiều nhất là từ Thái Lan, chiếm 45,7%; tiếp theo là Trung Quốc với 9,1%. Ngoài ra, nhập khẩu từ các thị trường khác như: Mỹ, Hàn Quốc, Canada, Úc, Nam Phi... cũng tăng.

Các loại hoa quả được nhập về Việt Nam chủ yếu là táo, cam, lê, kiwi, cherry, xoài, mãng cầu... Một số loại trái cây cao cấp khác được nhập từ Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Canada tuy giá cao, nhưng vẫn có sức tiêu thụ tốt, đặc biệt là ở các khu vực thành phố. Hiện tại các chủng loại như cherry, nho, táo xanh, dâu tây... của Pháp, Mỹ, New Zealand, Canada.... hay lê của Hàn Quốc, bơ của Chile đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Nói về việc hoa quả ngoại đang áp đảo thị trường nội hiện nay các chuyên gia cho rằng, để trái cây nội không bị “lép vế” và có thể chiếm lĩnh thị trường nội địa như tiềm năng vốn có, trước hết các cấp, ngành, doanh nghiệp cần có chiến lược quảng bá. Đồng thời, có kế hoạch sản xuất những loại quả phù hợp thị hiếu tiêu dùng của người Việt. Bởi hiện có rất nhiều loại trái cây của Việt Nam có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, hoàn toàn có thể cạnh tranh với trái cây nhập ngoại.

Hơn nữa, nếu tiêu thụ ở thị trường nội địa, do không phải chịu chi phí nhập khẩu, giá thành sẽ thấp hơn rất nhiều so với các loại quả ngoại có chất lượng tương đương… Do đó, các doanh nghiệp trong nước cần có hình thức giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại... để từ đó thu hút được người tiêu dùng trong nước.

Hiện trên thị trường hoa quả không rõ nguồn gốc đang được bày bán rất nhiều gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng về vấn đề an toàn thực phẩm. Bởi vậy, việc tìm mua các loại hoa quả nhập khẩu tuy đắt, nhưng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đang được coi là một giải pháp an toàn với người tiêu dùng. Tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình và người thân trong gia đình, người tiêu dùng cần tìm đến các siêu thị, cửa hàng có uy tín để mua, tránh tình trạng “tiền mất tật mang”...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ