Công văn của Tổng cục Đường bộ do Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Xuân Cường ký ngày 10/7 nêu rõ: Để thống nhất tên gọi dễ hiểu, đơn giản, được người dân và doanh nghiệp đồng tình chấp nhận, Tổng cục Đường bộ yêu cầu các đơn vị thực hiện đổi tên “Trạm thu giá” thành “Trạm thu phí”.
Đồng thời, thay thế từ “giá” trong các cụm từ “trạm thu giá”, “biểu giá”, “mức giá” trên hệ thống biển tên trạm, biển chỉ dẫn, tên bảng niêm yết mức thu và trên vé thu tại các trạm thu phí. Thời gian hoàn thành trước ngày 20/7/2018.
Đối với các vé đã in, Tổng cục Đường bộ cho phép các đơn vị tiếp tục sử dụng hết đến khi phát hành vé mới.
Tổng cục cũng giao Cục Quản lý đường bộ và Cục Quản lý đường bộ cao tốc kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các đơn vị thuộc địa bàn quản lý, báo cáo Tổng cục Đường bộ kết quả trước ngày 25/7.
Trước đó, trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra ngày 2/6, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã báo cáo về vấn đề dư luận quan tâm là tên gọi của các trạm thu phí giao thông BOT.
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu ý kiến của các cơ quan chức năng và nhân dân, tiếp tục nghiên cứu thêm tên gọi cho trạm thu phí giao thông BOT cho phù hợp, không sử dụng tên “trạm thu giá”.
Tại buổi trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV sáng 4/6/2018, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã chủ động nói về sự đổi tên của trạm “thu giá BOT”.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, các dự án BOT giao thông được quản lý theo hình thức thu phí. Bộ Tài chính có thẩm quyền ban hành mức phí và chế độ quản lý sử dụng với từng dự án. Giai đoạn từ ngày 1/1/2017 đến nay, Quốc hội đã ban hành Luật Phí và lệ phí, theo đó “phí sử dụng đường bộ” được chuyển đổi thành “giá dịch vụ sử dụng đường bộ".
Tại diễn đàn này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng yêu cầu Bộ GTVT “cứ quay về tên thu phí BOT, không cần phải nghiên cứu”.