Trại bò nghìn tỉ bỏ hoang tại Hà Tĩnh: Dân ồ ạt chiếm dụng đất

GD&TĐ - Sau 4 năm hoạt động, Dự án chăn nuôi bò của Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh đã không còn hoạt động. Chuồng trại bỏ không, thu nhập của hơn 100 công nhân chỉ trông chờ vào… bán chuối. Xót đất bỏ hoang, hàng loạt người dân kéo lên chiếm dụng lại đất để trồng keo…

Người dân ồ ạt kéo đến vùng đất của dự án để trồng lại keo. Ảnh: T.G
Người dân ồ ạt kéo đến vùng đất của dự án để trồng lại keo. Ảnh: T.G

Bán chuối trừ lương

Đến trang trại chăn nuôi bò Bình Hà ở huyện Cẩm Xuyên sáng 2/4, chúng tôi không gặp khó khăn, vô tư chạy xe máy qua dãy nhà điều hành, đến tận các dãy chuồng nuôi đối diện nhau. Cả 2 dãy chuồng nuôi bò chạy dài đang bỏ trống. Những hàng chuối đã bị chặt bỏ ngổn ngang. Những cây chuối còn lại không được chăm sóc, cỏ dại mọc um tùm. Hàng trăm ha rừng đã bị ủi trọc, không còn độ che phủ.

Theo một số người dân sống gần trang trại này, từ mấy tháng nay, Công ty Bình Hà đã không còn nuôi bò nữa. Số ít công nhân còn lại của công ty đang bám trụ ở đây để thu hoạch dần chuối, bán để trừ lương. Đáng nói, một phần diện tích trước đây thu hồi của dân để công ty trồng cỏ nhưng không hiệu quả, bỏ hoang đã bị nhiều hộ dân tự ý tái chiếm để trồng keo. Tuy nhiên, công ty không can thiệp.

Một cán bộ của Công ty Bình Hà cho hay: Lượng chuối xuất bán từ dự án này khá đều, cứ 2 - 3 ngày lại đủ một container. Tiền bán chuối được dùng để trả dần lương công nhân. Hiện tại, công nhân chỉ còn bị nợ một tháng lương. “Công ty mới xuất bán được 300 tấn chuối thương phẩm, cũng bù gần đủ tiền lương còn thiếu. Sắp tới chuối chín tiếp, chúng tôi sẽ làm thêm một, hai đợt nữa rồi nghỉ. Đây cũng là cách cuối cùng, vớt vát chút ít tiền để trả lương cho công nhân”, vị cán bộ này cho biết.

Ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, Dự án chăn nuôi bò của Công ty Bình Hà, từ năm 2018, UBND tỉnh đã giao cho sở, ngành liên quan rà soát, tham mưu nhưng đến nay do đang chờ công ty tái cơ cấu nên chưa có quyết định cuối cùng. Ông Việt cũng khẳng định, công ty chỉ quản lý hơn 200 ha chuối đã trồng chứ không còn chăn nuôi bò. Cả 2 trang trại chăn nuôi bò của Công ty Bình Hà ở huyện Kỳ Anh và huyện Cẩm Xuyên đều không còn hoạt động. Số công nhân của công ty hiện còn khoảng hơn 150 người.

Dự án chăn nuôi bò Bình Hà nay chuồng trại bỏ hoang. Ảnh: T.G
  • Dự án chăn nuôi bò Bình Hà nay chuồng trại bỏ hoang. Ảnh: T.G

Dân ồ ạt chiếm dụng đất

Chiều 2/4, gia đình ông Trần Thanh Hải, trú thôn Thiện Nộ, xã Cẩm Quan, Cẩm Xuyên đưa cây keo con đi trồng trên diện tích đất của gia đình trước đây bị thu hồi giao cho Công ty Bình Hà thực hiện dự án nuôi bò. Trước đó, vào năm 2015, gia đình ông Hải bị thu hồi 3,2 ha đất đã trồng keo nhưng đền bù đất chỉ 16 triệu đồng/ha, còn cây bồi thường khoảng 30 triệu đồng/ha.

Diện tích đất thu hồi của gia đình ông Hải sau đó Công ty Bình Hà chỉ sử dụng 0,8ha trồng cỏ, còn lại bỏ hoang. “Thấy đất bỏ hoang nhiều quá, tôi xót, nên mới đưa keo lên đây để trồng lại. Tại xã Cẩm Mỹ, đâu riêng gia đình tôi mà hàng loạt người dân kéo lên chiếm dụng lại đất để trồng keo. Từ ngày 26/3 vừa qua, nhà tôi đưa 500 cây keo lên trồng và hôm nay tiếp tục lên trồng”, ông Hải thật thà kể.

Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt của Công ty Bình Hà với tổng vốn đầu tư hơn 4.500 tỉ đồng, trên diện tích hơn 2.160 ha thuộc hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh được triển khai thực hiện vào năm 2015 với quy mô 254.200 con bò/năm, dự kiến tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động. Tuy nhiên, sau gần 4 năm thực hiện, dự án chỉ đạt quy mô gần 15.000 con bò/năm (bằng 6% quy mô dự án), đã xuất bán khoảng 43.000 con sau khi vỗ béo. Lượng bò nhập về và thả nuôi giảm dần theo từng năm. Khi chăn nuôi không hiệu quả, công ty tự ý trồng hơn 200 ha chuối dù chưa được sự cho phép của ngành chức năng Hà Tĩnh. 

Không riêng gia đình ông Hải, nhiều hộ khác không có đất bị thu hồi nhưng thấy Công ty Bình Hà bỏ hoang nên cũng tự lên chiếm dụng đất để trồng keo. Sự việc dẫn đến đã có trường hợp tranh giành nhau, dẫn đến xô xát, đánh nhau. “Nhìn họ bỏ hoang đất mà đau xót quá. Giờ mà công ty lấy lại tiền để chúng tôi lấy lại đất sản xuất thì còn gì bằng”, ông Hải cho hay.

Ông Trần Quang Trung - Chủ tịch UBND xã Cẩm Quan thừa nhận có việc người dân tự ý đưa keo vào trồng trên đất đã giao cho Công ty Bình Hà. “Năm 2018, có 16 hộ dân ở các xã Cẩm Quan, Cẩm Mỹ tự ý trồng keo trên đất đã giao cho Công ty Bình Hà. Chính quyền đã phối hợp tuyên truyền người dân không được tự ý chiếm đất như vậy và xử lý một số trường hợp. Nhưng thời gian sau, người dân tiếp tục vào trồng, hiện nay chưa thể thống kê chính xác diện tích dân lấn chiếm”, ông Trung nói. Ông Trung cũng kiến nghị, “cần phải sớm có phương án xử lý về dự án này. Nếu không tái cơ cấu được nữa thì nên giao lại cho đơn vị khác, hoặc trả lại cho chính quyền để rồi sau đó có thể giao lại cho dân để dân có tư liệu sản xuất. “Nếu để kéo dài sẽ rất lãng phí đất”, ông Trung khẳng định.

Ông Đào Mạnh Linh - Chủ tịch UBND xã Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh địa phương có một trang trại chăn nuôi bò của Công ty Bình Hà, cũng bày tỏ mong muốn dự án sớm có hướng xử lý, tránh để lãnh phí đất đai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.