Trách nhiệm thuộc về ai trong vụ khai thác đất trái phép ở Hòa Bình để trục lợi?

GD&TĐ - Thượng tá Quách Đình Thi, Trưởng Công an huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) cho biết, đã nắm được sự việc khai thác đất trái phép trên địa bàn huyện.

Xe tải chở đất khai thác trái phép đi tiêu thụ. Ảnh: TG
Xe tải chở đất khai thác trái phép đi tiêu thụ. Ảnh: TG

Sáng ngày 18/9 (sau khi Báo GD&TĐ đăng tải bài viết với tiêu đề: "Khai thác đất trái phép ở Hòa Bình để trục lợi"), GD&TĐ nhận được phản hồi từ thượng tá Quách Đình Thi, Trưởng Công an huyện Lạc Thuỷ, Hòa Bình.

Thượng tá Thi cho biết, đã nắm bắt được vụ việc và đang cho xác minh. Theo thượng tá Thi, đây là trách nhiệm của địa phương: thôn, xã đầu tiên về trách nhiệm quản lý trên địa bàn.

Video: Cảnh khai thác đất tại thôn Ngọc Lâm, xã Đồng tâm vào sáng ngày 14/9

"Khả năng là phải kỷ luật cán bộ. Việc kỷ luật phải xác minh rõ, kỹ, làm thận trọng, khách quan. Trên địa bàn huyện cũng có mấy điểm thi thoảng hay bị khai thác", Thượng tá Thi nói.

Trước đó, Báo GD&ĐT nhận được phản ánh của hiều phụ huynh học sinh tại thôn Ngọc Lâm, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy, Hòa Bình) về việc thời gian gần đây trên địa bàn xảy ra tình trạng đào đất đồi mang đi chỗ khác tiêu thụ gây bức xúc.

Khoảng 21 giờ ngày 13/9, phóng viên Báo GD&TĐ nhận được cuộc gọi của người dân với nội dung: “Họ lại múc đất, ngang nhiên, hoành hành lắm. Khai thác ầm ầm cả ngày lẫn đêm”.

Sáng 14/9, phóng viên có mặt tại thôn Ngọc Lâm, hàng loạt xe tải loại 3 chân, 4 chân nối đuôi nhau rầm rập chở đất hướng từ thôn Ngọc Lâm về Kim Bảng (Hà Nam) khiến cả cung đường ngập bụi bẩn.

Thấy phóng viên ghi hình, một người đàn ông trạc tuổi trung niên tiến về phía xe chúng tôi để hỏi han. Người đàn ông giới thiệu tên Giang và nhận mình là chủ khai thác đất ở đây.

“Mình với ông anh nữa dưới Hà Nội mua khu đất này. Diện tích khoảng 2 sào Bắc Bộ. Đất mua của nhà ông Định”, người đàn ông tên Giang nói.

Khi chúng tôi hỏi việc khai thác đất này có giấy tờ gì không thì người này không nói. Ông Giang trả lời với phóng viên rằng: “Chỉ biết bán đất tại mỏ, còn việc họ vận chuyển đi đâu thì không biết”.

Máy múc hoạt động hết công suất liên tục không nghỉ.

Máy múc hoạt động hết công suất liên tục không nghỉ.

Chúng tôi liên hệ với ông Phạm Văn Định (người được cho là có đồi đất đem bán), người này cho biết: “Đất bị sạt lở nên múc đi”. Tiếp tục liên hệ với ông Bùi Văn Viện (được cho là chủ khu đất đang khai thác ), người này khẳng định: “Không phải đất nhà mình. Họ có múc đất bên rìa xưởng gỗ nhà tôi. Trước là đất của ông Hùng, sau họ mua bán qua bao nhiều đời chủ rồi. Mấy hôm nay máy múc, xe ầm ầm cả ngày lẫn đêm mất ngủ”.

Liên quan đến việc người dân phản ánh tình trạng khai thác đất, có dấu hiệu của việc ăn cắp tài nguyên khoáng sản của Nhà nước để trục lợi, phóng viên liên hệ với ông Nguyễn Đức Hân, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm.

Ông Hân cho biết, tình trạng khai thác đất diễn ra từ 13/9, hiện đã bị đình chỉ và đã có đoàn cán bộ của huyện về làm việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một khúc sông Swindale Beck, Vương quốc Anh.

'Uốn cong' sông để ngừa lũ

GD&TĐ - Trong nhiều thế kỉ, những dòng sông quanh co đã được 'nắn thẳng' để dành chỗ cho các công trình của loài người.

Minh họa/INT

Chuyện tăng giá điện

GD&TĐ - Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), để điều chỉnh giá điện tăng lần này dựa trên 3 cơ sở quan trọng là chính trị, pháp lý và thực tiễn.