Vai trò của phụ huynh đang chệch hướng
Thời gian qua, khi năm học mới 2022-2023 bắt đầu được hơn 1 tháng cũng là thời điểm một số trường học trên cả nước xuất hiện tình trạng lạm thu, thu chi, vận động xã hội hóa sai quy định, gây bức xúc cho phụ huynh.
Trong đó, một số phụ huynh tại thị trấn Sa Thầy (Sa Thầy, Kon Tum) vừa phản ánh Trường Tiểu học Hùng Vương và Trường Tiểu học-THCS Lê Quý Đôn đã lạm thu một số khoản đầu năm học mới. Các khoản phụ thu đè nặng lên nhiều gia đình có con em đang theo học tại đây. Một số khoản thu gồm: Quỹ hội 150.000 đồng, quỹ lớp 200.000 đồng, tiền đồ dùng bán trú 110.000 đồng, tiền photo 50.000 đồng, tiền vệ sinh 126.000 đồng/em… Đặc biệt tiền xã hội hoá từ 200.000 - 300.000 đồng/em...
Mới đây, Trường Tiểu học Tân Lợi (Thới Bình, Cà Mau) dự kiến huy động các khoản thu như: Mua 18 máy lạnh 162 triệu đồng; mua 26 tivi khoảng 360 triệu đồng. Trong khi huy động cho công tác khen thưởng, hoạt động giáo dục của nhà trường chỉ 20 triệu đồng. Ngay sau khi triển khai, các khoản thu này lập tức vướng phải phản ứng của phụ huynh. Ngay sau đó, cơ quan quản lý nhà nước đã yêu cầu nhà trường trả lại phụ huynh số tiền thu sai và cam kết không tái phạm.
Trường Tiểu học Tân Lợi (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau). Ảnh: V.Hữu. |
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội nhìn nhận, vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh rất quan trọng. Đây là cầu nối giữa nhà trường và phụ huynh; góp phần truyền tải thông tin chương trình giáo dục, phương pháp giáo dục đến phụ huynh.
Ngược lại, ban đại diện thu thập thông tin ý kiến, nguyện vọng của phụ huynh đến nhà trường, phối hợp, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Tuy nhiên, hoạt động của tổ chức này ở một số nơi đang có dấu hiệu chệch hướng so với mục tiêu ban đầu. Điều này cho thấy cần phải quy định rõ trách nhiệm, quản lý hoạt động ban đại diện cha mẹ học sinh cho phù hợp.
Vừa là phụ huynh có con học lớp 3 và lớp 8, chị Nguyễn Thu Hương (trú quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh tức Thông tư 55/2011 đã có. Tuy nhiên, đến nay sau 11 năm áp dụng đã bộc lộ một số hạn chế nhất định. Trong đó, có trách nhiệm của ban phụ huynh và nhà trường nếu xảy ra vi phạm. "Đơn cử như việc vận động xã hội hóa hay tiếp nhận tài trợ hiện nay đang thực hiện theo Thông tư 16/2018 của Bộ GD&ĐT. Một số điều của Thông tư 55 cần làm rõ thêm chứ không chỉ ghi chung chung như hiện nay" - chị Hương bày tỏ.
Cần quy định rõ trách nhiệm của hiệu trưởng
Trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại, Tiến sĩ luật học, LS Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Hà Nội) nhấn mạnh, hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh được thực hiện theo quy định tại Thông tư 55/2011 của Bộ GD&ĐT để đảm bảo có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, tăng cường hiệu quả trong công tác giáo dục.
Ngoài ra, Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường sẽ căn cứ ý kiến của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp để kiến nghị với Hiệu trưởng về những biện pháp cần thiết nhằm thực hiện nhiệm vụ năm học của trường và về quản lý, giáo dục học sinh; quyết định chi tiêu phục vụ các hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh từ nguồn ủng hộ, tài trợ tự nguyện theo quy định tại Điều 10 Điều lệ này.
Điều 10 của Thông tư 55 quy định, kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp. Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện học sinh trường.
LS Đặng Văn Cường nhấn mạnh tới vai trò giám của các tổ chức xã hội về hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh để tránh tình trạng lạm thu. |
LS Đặng Văn Cường cũng cho biết, việc thu chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ. Sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không qui định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.
Bên cạnh đó, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học: Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh như: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Như vậy, trường hợp ban đại diện cha mẹ học sinh vi phạm quy định tại khoản 4, điều 10 của thông tư ban hành kèm theo quy chế này như: thu quỹ mà không đảm bảo nguyên tắc tự nguyện hoặc các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh thì đây là hành vi vi phạm.
Điều 15 của quy chế này quy định: "Tổ chức, cá nhân có hành vi cố ý cản trở việc thực hiện Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, vi phạm các quy định của Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật".