Ưu tiên chính sách xóa mù chữ
Từ nguồn ngân sách Trung ương phân bổ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; nguồn ngân sách tỉnh đối ứng, tỉnh Trà Vinh chi hỗ trợ cho học viên theo học lớp xóa mù chữ; các cơ sở giáo dục, cán bộ, giáo viên, tình nguyện viên tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ; cơ quan quản lý giáo dục, tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác xóa mù chữ. Chính sách này được HĐND tỉnh (khóa X) quyết nghị tại kỳ họp thứ 8.
Theo đó, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học xóa mù chữ được hỗ trợ 50.000 đồng/buổi/người, được chi hỗ trợ mua sổ, sách theo dõi quá trình học tập, sách giáo khoa dùng chung với mức 400.000 đồng/học viên/năm học. Ngoài ra, lớp học còn được hỗ trợ kinh phí để thắp sáng ban đêm (với mức 1KW/buổi học). Người tham gia tuyên truyền, huy động người mù chữ, tái mù chữ đến lớp xóa mù chữ cũng được hỗ trợ 100.000 đồng/ngày/người.
Tại huyện Tiểu Cần, thực hiện Nghị quyết số 03/2023, ngày 27/02/2023 của HĐND tỉnh Trà Vinh về “Quy định mức chi hỗ trợ xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh”, phòng GD&ĐT huyện kết hợp với chính quyền địa phương và các Trung tâm học tập cộng đồng xã, thị trấn đã mở được 25 lớp xóa mù chữ với tổng số 430 học viên.
Các lớp học này phần lớn được bố trí ở những điểm trường tiểu học hoặc trụ sở Ban nhân dân tại các ấp, khóm có đông đồng bào dân tộc Khmer. Mỗi xã, thị trấn có ít nhất 1 lớp, nhiều nhất là 6 lớp. Thời gian học diễn ra vào 3 buổi tối trong tuần. Cũng thông qua công tác vận động và thấy được tầm quan trọng của việc xóa mù chữ để giúp ích cho bản thân nên hầu như các ấp, khóm có đông đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện Tiểu Cần hiện nay đều có lớp học xóa mù chữ.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, theo kết quả công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục và xóa mù chữ trên địa bàn, đến cuối năm 2022, 106/106 xã, phường, thị trấn và 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 với gần 688.000 người trong độ tuổi từ 15 - 60 tuổi biết chữ (đạt 93,96%).
Số người mù chữ mức độ 1 còn trên 10.500 người (chiếm 1,44%); số người mù chữ mức độ 2 là 44.192 người (chiếm 6,04%). Do đó, việc thực hiện chính sách này thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với công tác xóa mù chữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và toàn tỉnh nói chung, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trên địa bàn.
Học sinh vùng đồng bào dân tộc Khmer huyện Trà Cú, Trà Vinh. |
Chú trọng tuyên truyền, vận động
Thời điểm đầu năm học, Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh đã ban hành kế hoạch về việc mở lớp xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh. Các Phòng GD&ĐT cũng xây dựng Kế hoạch mở lớp xóa mù chữ trên địa bàn huyện, thành phố. Tỉnh đã triển khai, quán triệt và thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về công tác xóa mù chữ, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh về công tác xóa mù chữ.
Tuy nhiên tỉnh cũng gặp một số khó khăn trong công tác xóa mù chữ như việc huy động học viên tham gia các lớp xóa mù chữ còn gặp nhiều khó khăn do đối tượng tham gia là lực lượng lao động chính trong gia đình. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có tài liệu xóa mù chữ, gây khó khăn cho công tác giảng dạy…
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh, để triển khai công tác xóa mù chữ, Sở đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh về công tác xóa mù chữ. Bên cạnh đó, bổ sung, rà soát cập nhật bộ số liệu thống kê, điều tra trình độ văn hóa đối tượng trong độ tuổi từ 15 - 60.
Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch chỉ đạo các trung tâm hỗ trợ cộng đồng kết hợp với các trường tiểu học trên địa bàn tích cực vận động các đối tượng trong độ tuổi từ 15 - 60 ra lớp học xóa mù chữ, trong đó tập trung ưu tiên xóa mù chữ cho phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số. Dự kiến giai đoạn 2023 - 2025 ngành Giáo dục Trà Vinh sẽ mở 59 lớp xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh…