Trả lời kiến nghị sớm đầu tư xây đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô

GD&TĐ - Việc sớm đầu tư, khai thác đường Vành đai 5 là cần thiết để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới đường bộ.

Trả lời kiến nghị sớm đầu tư xây đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Bắc Giang đã kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm xây dựng và hoàn thiện đường Vành đai 5 Hà Nội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vành đai 5 – Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài khoảng 272 km (đoạn qua tỉnh Bắc Giang dài khoảng 48 km), tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô (trên địa bàn tỉnh Bắc Giang) góp phần hình thành trục giao thông kết nối ngang quan trọng giữa đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên cũng như tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với cao tốc Nội Bài - Hạ Long (trong tương lai).

Trả lời vấn đề trên, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho rằng, việc sớm đầu tư đưa vào khai thác đường Vành đai 5 nói chung, đoạn qua tỉnh Bắc Giang nói riêng là cần thiết để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang, từng bước hoàn thiện quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia và giao thông địa phương.

Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT được phân bổ hạn hẹp, ngoài điều chỉnh giảm phân bổ lại cho địa phương, nguồn lực còn lại tập trung cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án hạ tầng giao thông chiến lược theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ.

Do đó, Bộ GTVT chưa thể bố trí nguồn vốn để triển khai đầu tư đường Vành đai 5 nói chung trong giai đoạn 2021 - 2025. Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang cố gắng cân đối nguồn vốn trung hạn đã bố trí cho bộ từ các dự án.

Cũng tại Thông báo số 199/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND tỉnh Bắc Giang cần rà soát kỹ, cân đối, bố trí vốn để hoàn thành dứt điểm, phát huy hiệu quả các dự án đang triển khai, bảo đảm yêu cầu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún, chia cắt.

Quy hoạch hướng tuyến đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô. (Ảnh internet).

Quy hoạch hướng tuyến đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô. (Ảnh internet).

Trên cơ sở rà soát kỹ các nguồn lực, khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn khác, UBND tỉnh Bắc Giang nghiên cứu, đề xuất phương thức đầu tư phù hợp.

Do vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang sớm nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư Vành đai 5 đoạn qua địa bàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang trong quá trình triển khai thực hiện.

Tuyến đường trọng điểm của phía Bắc

Theo Quyết định số 1454 ngày 1/9/2021 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vành đai 5 đi qua địa giới hành chính của 36 quận, huyện, thành phố trực thuộc 8 tỉnh, thành gồm: TP. Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.

Tổng chiều dài toàn tuyến đường Vành đai 5 khoảng 331,5 km (không bao gồm khoảng 41km đi trùng các đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai và quốc lộ 3).

Trong đó, đoạn qua Hà Nội dài khoảng 48km; qua tỉnh Hòa Bình 35,4km; qua tỉnh Hà Nam 35,3km; qua tỉnh Thái Bình 28,5 km; qua tỉnh Hải Dương 52,7km; qua tỉnh Bắc Giang 51,3km; qua tỉnh Thái Nguyên 28,9km, qua địa phận tỉnh Vĩnh Phúc 51,5km.

Với nhu cầu vốn đầu tư khoảng 85.560 tỷ đồng (tính theo giá năm 2013), đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô có quy mô cao tốc 6 làn xe, bề rộng nền đường tối thiểu 22-33m và có đường gom hai bên.

Sau khi hoàn thành, tuyến đường Vành đai 5 sẽ tạo ra một vòng tròn lưu thông khép kín giữa 8 tỉnh phía Bắc. Liên kết những khu đô thị xung quanh hướng tâm về Thủ đô, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế ở những vùng sâu vùng xa về trung tâm thành phố.

Trong thời gian tới, tuyến đường này sẽ là bàn đạp cho sự phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực của 8 tỉnh thành đi qua nói riêng và khu vực miền Bắc nói chung. Đồng thời, Vành đai 5 sẽ là tuyến đường trọng điểm của phía Bắc, nâng tầm cảnh quan của thành phố và những đô thị xung quanh.

Hiện tuyến đường Vành đai 5 đang tiếp tục thi công, hoàn thành trên thực tế. Trong thời gian qua, nhiều địa phương (Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình, Thái Nguyên) đã chủ động triển khai đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác một số đoạn tuyến trên đường vành đai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.