Hà Nội chuẩn bị xây dựng đường Vành đai 5

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - TP.Hà Nội chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030 và đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống.

Theo Kế hoạch số 139/KH-UBND của UBND TP.Hà Nội về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP.Hà Nội phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030.

Kế hoạch số 139/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 2/2/2023 của Thành ủy Hà Nội nhằm cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá kết quả công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn Thủ đô.

Theo đó, các chỉ tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô gồm 26 chỉ tiêu: 7 chỉ tiêu về trình độ phát triển kinh tế; 9 chỉ tiêu về trình độ phát triển văn hóa, xã hội; 5 chỉ tiêu về trình độ phát triển đô thị; 4 chỉ tiêu về trình độ bảo vệ và quản lý môi trường.

Hà Nội định hướng phấn đấu trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống; phấn đấu tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70% vào năm 2025.

Đáng chú ý, thành phố cũng đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống; nghiên cứu mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài, xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc.

Theo Kế hoạch, UBND TP.Hà Nội giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế khuyến khích cho phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và triển khai.

Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu UBND thành phố tiếp tục kiến nghị với Trung ương về việc giao Hà Nội quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo.

Hà Nội phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030. (Ảnh minh họa)

Hà Nội phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030. (Ảnh minh họa)

Thành phố sẽ phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, bao gồm 3 lĩnh vực chủ chốt: Sản xuất linh kiện, phụ tùng; công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành dệt may, da giày và công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao. Lựa chọn phát triển một số ngành công nghiệp phát thải carbon thấp, sử dụng tiết kiệm đất đai và tài nguyên.

Được biết, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án quy mô lớn, đi qua địa bàn 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh), với quy mô 112,8 km.

Riêng trên địa bàn TP.Hà Nội, tuyến đường có chiều dài khoảng 58,2 km, đi qua 7 quận, huyện, chiếm tỷ lệ 51,5%. Dự án có tổng mức đầu tư là 85.813 tỷ đồng, góp phần giảm tải áp lực hạ tầng giao thông và dân số cho khu vực nội đô.

Đối với tuyến đường Vành đai 5, quy hoạch chi tiết phê duyệt năm 2014 xác định đi qua 36 quận, huyện, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.

Với tổng chiều dài khoảng 331 km (không bao gồm 41km đi trùng cao tốc Nội Bài – Hạ Long, Hà Nội – Thái Nguyên, Nội Bài – Lào Cai và Quốc lộ 3), nhu cầu vốn đầu tư Vành đai 5 – Vùng Thủ đô khoảng 85.560 tỷ đồng (tính theo giá năm 2013).

Theo đánh giá, tuyến đường Vành đai 5 sau khi hoàn thành sẽ tạo ra một vòng tròn lưu thông khép kín giữa 8 tỉnh phía Bắc, liên kết những khu đô thị xung quanh hướng tâm về Thủ đô. Đây cũng chính là bàn đạp cho sự phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực của 8 tỉnh thành nó đi qua nói riêng và khu vực miền Bắc nói chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ