TPHCM vẫn là “điểm nóng” của hàng lậu

GD&TĐ - Cuối năm là thời điểm hàng giả, gian lận thương mại diễn biến phức tạp với những thủ đoạn tinh vi.

Lực lượng QLTT TPHCM kiểm tra hàng giả, hàng nhái nhãn mác tại một trung tâm thương mại.
Lực lượng QLTT TPHCM kiểm tra hàng giả, hàng nhái nhãn mác tại một trung tâm thương mại.

Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM đã lập kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhất là các kho hàng, trung tâm mua sắm, chợ truyền thống trên địa bàn.

Hàng lậu, hàng nhái xâm lấn thị trường

Báo cáo tại công tác tổng kết năm 2020 và mục tiêu kế hoạch hành động năm 2021, nhất là dịp cao điểm phòng chống hàng nhái, hàng giả vào dịp Tết Tân Sửu, ông Nguyễn Tiến Đạt - Cục Phó Cục QLTT TPHCM cho biết: Số vụ vi phạm có chiều hướng giảm cả về quy mô và mức độ. 

Cụ thể, trong năm 2020, lực lượng QLTT TPHCM đã kiểm tra 3.862 vụ, giảm 3.570 vụ so với cùng kỳ năm trước; qua đó phát hiện và xử lý 2.735 vụ vi phạm, giảm 1.954 vụ so với cùng kỳ. Số tiền thu phạt nộp ngân sách 58,8 tỷ đồng, giảm 48,32% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với hàng hoá nhập lậu, lực lượng QLTT TPHCM đã xử lý 715 vụ vi phạm, tạm giữ hơn 3,6 triệu sản phẩm, phạt tiền hơn 27,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì tăng khi lực lượng QLTT đã xử lý 527 vụ, tăng 162 vụ so với năm 2019, tạm giữ hơn 1,2 triệu sản phẩm, tiền xử phạt hơn 4,1 tỷ đồng.

Riêng hàng giả, các đội QLTT TPHCM đã phát hiện 1.013 vụ vi phạm; trong đó có 649 vụ kinh doanh hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, tạm giữ 1,3 triệu sản phẩm; 364 vụ buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hoá, bao bì, nhãn hiệu, tem nhãn và 80.777 đơn vị sản phẩm đã bị thu giữ.

Đơn cử, ngày 13/1/2021, lực lượng QLTT TP cùng với cơ quan chức năng phát hiện 5 đối tượng vận chuyển 126 chai rượu ngoại nhập (70 chai không có hóa đơn chứng từ) từ các cửa hàng của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ & Xuất nhập khẩu Đại Lợi (quận 5). Kiểm tra 6 cửa hàng, kho hàng của doanh nghiệp này, lực lượng kiểm tra đã phát hiện khoảng 12.000 thùng (khoảng 60.000 chai), trong đó có hàng nghìn chai rượu không có hóa đơn chứng từ, không có tem nhãn, trị giá số hàng hóa vi phạm ước tính hơn 7 tỷ đồng.

Hay mới đây, ngày 16/1, QLTT Củ Chi kiểm tra ba xe tải có dấu hiệu vi phạm, qua đó phát hiện đang chở 860 cây vải xuất xứ Đài Loan không hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Trước đó, đội QLTT 5A đã kiểm tra cửa hàng LN (Tân Bình), tạm giữ 1.785 quần jean, kaki và áo len do Trung Quốc sản xuất không có hóa đơn chứng từ.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong năm 2020 vẫn tiếp tục tràn về địa bàn TPHCM. Hình thức buôn bán, chứa trữ, kinh doanh ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều hành vi gian lận rất tinh vi và ở nhiều chủng loại. 

“Gần đây, lực lượng QLTT TPHCM thường xuyên phát hiện nhiều hàng hóa nhập lậu được vận chuyển trên các chuyến bay, trên các tuyến đường sắt từ Bắc vào Nam, hàng hoá chứa trong container với số lượng lớn, phần lớn trong đó không tìm được chủ sở hữu.

Hiện trên địa bàn TPHCM có nhiều doanh nghiệp thuê kho hàng chứa trữ hàng hoá nhập lậu, hàng giả quy mô lớn; chuyển phương thức kinh doanh hàng hoá trái phép sang không gian mạng (Facebook, Zalo...) nên rất khó kiểm soát…, dẫn đến khó khăn trong khâu xử lý sai phạm” - ông Đạt nói. 

Chủ động phòng chống và ngăn chặn

Theo ông Nguyễn Lý Trường An - chuyên gia xuất nhập khẩu; hàng nhái, hàng lậu được kinh doanh tại VN xuất ra từ 3 nguồn: Sản xuất trong nước rồi gắn mác giả lên, nhà phân phối thích mác nào, nhà sản xuất gắn mác đó. Nguồn thứ 2 là qua đường mòn lối mở từ Trung Quốc, Campuchia về và nguồn thứ 3 là hàng hóa có giá trị cao, được chèn trong các container hàng nhập khẩu chính ngạch, qua mặt hải quan để đưa vào tiêu thụ trong nước.

Trước tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp cận Tết dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu dùng hàng hoá của nhân dân tăng cao, Cục QLTT (Bộ Công Thương) vừa ban hành Kế hoạch số 17 về cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm 2020 và trước, trong, sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Theo đó, lực lượng QLTT sẽ tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn, kiểm soát chặt chẽ tuyến trọng điểm gần các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hoá gần biên giới; các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại; các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, cảng hàng không. 

Chủ động tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành nhằm tập trung triệt phá tận gốc các đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu quốc tế đang tồn tại trên địa bàn.

Ông Trương Văn Ba - Cục trưởng Cục QLTT TPHCM nhìn nhận: Tình hình hàng nhập lậu cuối năm đang bước vào giai đoạn cao điểm. Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường, dẫn đến tình hình vận chuyến, chứa trữ, kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, trên các trang mạng xã hội sẽ phát triển theo chiều hướng tăng ở hầu hết các mặt hàng.

“Thị trường đang bước vào cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán 2021 và hiện có rất nhiều mặt hàng Tết không rõ nguồn gốc được đưa vào thành phố tiêu thụ như đường, thực phẩm chế biến, thực phẩm chức năng, bánh kẹo, rượu bia, thuốc lá… với số lượng lớn và gia tăng. Riêng hoạt động buôn bán, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu từ các tỉnh Tây Ninh, Long An đưa vào thị trường TPHCM và đi các tỉnh rất nhộn nhịp và sẽ tăng mạnh trong dịp Tết đến. Để đẩy lùi vấn nạn trên thì chỉ có chống và phòng” - ông Ba nói. 

Để đẩy lùi hàng lậu, hàng giả, hàng nhái trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Cục trưởng Cục QLTT TPHCM cho biết; lực lượng QLTT TPHCM đã tăng cường quản lý, tăng cường kiểm tra địa bàn, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương, với các ngành tổ chức kiểm tra các chợ đầu mối, chợ truyền thống, trung tâm mua sắm, các tuyến đường giáp ranh giữa các tỉnh với thành phố để ngăn chặn từ xa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. 

“Ngoài tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh trái phép hàng hóa của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần cẩn trong khi mua sắm. Không mua bán những mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và nên mua hàng hoá ở những địa chỉ tin cậy sẽ là sự đóng góp lớn vào cuộc chiến chống hàng lậu, hàng gia trên địa bàn hiện nay”- ông Trương Văn Ba nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ