Giáp Tết, hàng giả - nhái “tung hoành” trên mạng

GD&TĐ - Giáp Tết là lúc hàng giả, hàng nhái thâm nhập thị trường mạnh mẽ. Đặc biệt, với tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng, các đối tượng kinh doanh, sản xuất hàng giả, hàng nhái ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi...

Hình ảnh sản phẩm rượu mang nhãn mác xuất xứ nước ngoài.
Hình ảnh sản phẩm rượu mang nhãn mác xuất xứ nước ngoài.

“Công nghệ” làm giả đánh trúng thị hiếu

Ngày 24/12, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an TP Hà Nội) cho biết, đơn vị đang củng cố tài liệu hồ sơ xử lý một cơ sở sản xuất, sang chiết rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cụ thể, khoảng 11 giờ ngày 23/12, cơ quan chức năng đã triệt phá cơ sở sang chiết, dán nhãn rượu giả xuất xứ nước ngoài tại phường Phúc La (quận Hà Đông, TP Hà Nội). Chủ cơ sở là bà Tạ Tiền Mỹ (SN 1984), trú tại địa chỉ trên.

Vào thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện nhiều can rượu loại 20 lít và vỏ chai rượu nhãn Back Lào đã được rút lõi. Chủ cơ sở khai nhận, sang chiết sang số rượu trên để cho vào các bình rượu có hình linh vật. Kênh phân phối chủ yếu qua Zalo, Facebook.

Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường cho biết, trên thị trường đang nổi nên mặt hàng rượu đóng chai hình con Trâu (con giáp của năm 2021). Đối tượng đã đặt mua trên mạng xã hội chai thuỷ tinh, chai sứ hình con giáp, tem nhãn. Sau đó, mua rượu không có nguồn gốc xuất xứ để lấy rượu đóng vào chai thuỷ tinh, chai sứ dán nhãn mác giống với sản phẩm đang hot trên thị trường.

Tổ công tác thu giữ rất nhiều vỏ hộp, tem nhãn, chai lọ và hàng trăm sản phẩm đã đóng chai. Tạm giữ 202 chai rượu hình con giáp, 300 chai rượu Black Lào, 1.000 nút chai, 6 vỏ chai sứ hình con Trâu.

Phát hiện hàng trăm vụ hàng giả - nhái

Dịp Tết mặt hàng quần áo cũng là mục tiêu mà nhiều đối tượng vi phạm hướng đến. Công an huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cho biết, trong năm 2020 đơn vị đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh về hành vi làm hàng nhái, giả mạo nhãn hiệu của nước ngoài.

Đại úy Trần Mạnh Tiến, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra kinh tế ma túy và môi trường (Công an huyện Phúc Thọ) cho biết, đã xử lý 35 vụ vi phạm hành chính liên quan đến hành vi không đăng ký kinh doanh, giả mạo nhãn hiệu. Thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 100 triệu đồng. Khởi tố 2 vụ về hành vi sản xuất quần áo giả mạo nhãn hiệu. Dựa vào tâm lý sính hàng hiệu, một số đối tượng đã sản xuất quần áo giả mạo các thương hiệu như: Nike, Adidas, Uniqlo, Gucci…

Trung tá Hoàng Văn Nam - Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (Công an quận Hà Đông) cho biết, trong năm 2020 đã phối hợp, phát hiện xử lý 164 vụ vi phạm, tăng 20 vụ so với năm 2019. Trong đó, đã xử lý hành chính 149 vụ, 133 đối tượng và 16 tổ chức. Xử phạt hành chính hơn 705 triệu đồng.

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa dịp cuối năm.
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa dịp cuối năm. 

Thiếu công cụ quản lý thương mại điện tử

Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) cho rằng, việc truy xuất, lưu trữ hóa đơn hàng hóa giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) còn gặp nhiều khó khăn. Bởi lực lượng QLTT không có thẩm quyền đề xuất lấy các sao kê ngân hàng, theo dõi giao dịch tài chính của đối tượng.

Trong khi đó, các đối tượng thường xuyên lợi dụng kho hàng, xe hàng của các hãng chuyển phát, giao nhận. Lực lượng QLTT không có thẩm quyền dừng xe, mở niêm phong kiểm tra.

Các mô hình TMĐT mới liên tục xuất hiện, các giao dịch, dịch vụ xuyên biên giới, đa dạng về chủ thể tham gia, phức tạp về cách thức hoạt động... Đây là thách thức các cơ quan quản lý cần khắc phục “lỗ hổng” về chính sách, nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý giúp TMĐT phát triển bền vững.

Thủ đoạn của các đối tượng bán hàng giả, hàng nhái là dùng hình ảnh hàng chính hãng để quảng cáo. Chào bán giá rẻ hơn rất nhiều nhằm lôi kéo người tiêu dùng. Mới đây, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) và Cục QLTT Hà Nội đồng loạt kiểm tra 5 địa điểm bán hàng và kho chứa hàng của 2 website kinh doanh hàng hiệu là menshop79.com và Menshopfashion.co, đã phát hiện, thu giữ gần 2.000 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton, Hermes, Versace, Burberry…

Theo ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, khó khăn lớn mà lực lượng chức năng phải đối mặt là các đối tượng không có cửa hàng. Chỉ thông qua các website, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu, sau đó chuyển hàng và thanh toán trực tiếp theo thỏa thuận.

Hàng hóa phân tán, nhỏ lẻ, cất giấu nhiều nơi. Chỉ bán hàng qua cộng tác viên, trung gian. Các website được tạo ra và đóng lại trong thời gian ngắn… Tất cả khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát, khó xác định chứng cứ. Kể cả khi kiểm tra, tìm được kho hàng cũng khó xác minh chủ. Hơn nữa, để xử lý các vụ vi phạm phải có chứng cứ cụ thể. Nhưng 99% các giao dịch trên mạng không có hóa đơn, chứng từ.

Theo ông Chu Xuân Kiên, thời gian tới, cơ quan lập pháp cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên sàn TMĐT. Cần tăng nặng hình thức xử phạt nhằm răn đe các đơn vị và cá nhân kinh doanh bất hợp pháp. Làm rõ việc ràng buộc trách nhiệm của các sàn TMĐT với hàng hóa bày bán.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia vừa ký ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết. Cao điểm diễn ra từ ngày 20/12/2020 - 28/2/2021.

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, tỉnh, thành phố về công tác chống buôn lậu, gian lận và hàng giả. Đặc biệt là các mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ