TPHCM: Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS nhập học các trình độ GDNN đạt hơn 26%

GD&TĐ - Theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM đến nay, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS nhập học các trình độ GDNN bình quân hàng năm chỉ mới đạt khoảng 26,19%.

Sở LĐ-TB&XH TPHCM ký kết quy chế phối hợp với Sở GD&ĐT thành phố.
Sở LĐ-TB&XH TPHCM ký kết quy chế phối hợp với Sở GD&ĐT thành phố.

Ngày 19/9, Sở LĐ-TH&XH TPHCM tổ chức Hội nghị ký kết quy chế phối hợp với Sở GD&ĐT thành phố trong công tác quản lý nhà nước và Kế hoạch phối hợp giữa Đại học Quốc gia TPHCM với Sở LĐ-TB&XH trong việc thực hiện quyết định số 2673/QĐ-UBND của UBND TPHCM.

Theo báo cáo sơ kết 1 năm triển khai thực hiện chương trình phối hợp giữa Sở GD&ĐT TPHCM với Sở LĐ-TB&XH về định hướng phân luồng và giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh THCS và THPT thời gian qua.

Theo đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” của Thủ tướng Chính phủ đã xác định mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp.

Từ năm 2023, Sở GD&ĐT TPHCM cùng với Sở LĐ-TB&XH đã ký kết thực hiện Chương trình phối hợp về định hướng phân luồng và GDNN đối với học sinh THCS và THPT giai đoạn 2023-2025.

Hai đơn vị phối hợp tổ chức nhiều nội dung như hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học vào học GDNN; tổ chức đào tạo kiến thức văn hóa THPT tại các cơ sở GDNN,…

Trong năm 2023 và 8 tháng đầu năm 2024, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các trường Cao đẳng, Trung cấp giải đáp thắc mắc, tư vấn chọn ngành, chọn trường cho học sinh cuối cấp.

Các trường Cao đẳng, Trung cấp tổ chức các Ngày hội Open day cho học sinh THCS đến tham quan, giúp học sinh lựa chọn hướng đi thích hợp sau khi tốt nghiệp bậc trung học,...

Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS nhập học các trình độ GDNN bình quân hàng năm chỉ mới đạt hơn 26%.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã nêu rõ thực tế cũng như các nguyên nhân dẫn đến công tác phân luồng và định hướng giáo dục nghề nghiệp tại TPHCM vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng.

giao-duc-nghe-nghiep.jpg
Ông Đặng Văn Đại, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Đông Sài Gòn phát biểu tại hội nghị.

Ông Đặng Văn Đại, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Đông Sài Gòn đề xuất, trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới, Sở GD&ĐT TPHCM xem xét có thêm nguyện vọng vào các trường nghề. Ngoài 3 nguyện vọng quen thuộc, nguyện vọng thứ 4 là danh mục các trường nghề để các em chọn lựa. Chính điều này sẽ phần nào giúp các giáo viên chủ nhiệm lớp 9, các trường THCS nắm bắt để định hướng phân luồng hiệu quả đối với học sinh có nhu cầu.

Đồng tình với đề xuất về việc có thêm nguyện vọng vào lớp 10 trường nghề, ông Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông cho rằng nếu được thực hiện sẽ tạo điều kiện cho công tác phân luồng sau THCS có hiệu quả hơn.

Tại hội nghị, Sở LĐ-TB&XH TPHCM ký kết quy chế phối hợp với Sở GD&ĐT thành phố trong công tác quản lý nhà nước. Theo quy chế, 2 ngành đề ra 24 nội dung phối hợp thực hiện nhằm quản lý, điều phối tốt hơn hoạt động giáo dục, đào tạo nhằm thực hiện hiệu quả Đề án phân luồng học sinh.

Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH TPHCM còn ký kết với Đại học Quốc gia TPHCM về thực hiện các nội dung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo cung ứng cho nhu cầu tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực kinh tế trên địa bàn thành phố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.