Mùa Trung thu 'đặc biệt' của học sinh TPHCM

GD&TĐ - Nhiều trường học TPHCM đã không tổ chức lễ hội dịp Trung thu, thay vào đó là các hoạt động ý nghĩa hướng về đồng bào miền Bắc.

Trường Tiểu học Đặng Trần Côn tặng lồng đèn cho các em học sinh.
Trường Tiểu học Đặng Trần Côn tặng lồng đèn cho các em học sinh.

Giáo dục tinh thần tương thân, tương ái

Trung thu năm nay, Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (quận 4) không tổ chức Lễ hội và các hoạt động, thay vào đó nhà trường lồng ghép giáo dục học sinh về tinh thần tương thân, tương ái, sẻ chia, yêu thương và tặng lồng đèn cho học sinh khó khăn.

Cụ thể, Trường Tiểu học Đặng Trần Côn phối hợp với Nhà hát kịch TPHCM mang đến cho gần 700 học sinh vở kịch “Chiếc cặp sách của Rùa”. Vở kịch không chỉ mang thông điệp giáo dục học sinh về tiết kiệm và biết chia sẻ khó khăn cùng các bạn đang gặp thiên tai, bão lũ, mà còn lồng ghép nhiều bài học sâu sắc giúp học sinh phát triển nhận thức và nhân cách.

Cô Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, vở kịch “Chiếc cặp sách của Rùa” khuyến khích học sinh biết quý trọng những món đồ không chỉ vì giá trị vật chất mà còn vì giá trị tinh thần mà chúng mang lại. Những vật phẩm mà bố mẹ dành trọn tâm huyết làm ra, dù cũ kỹ, vẫn là kỷ vật vô giá, nhắc nhở các em về tình thương và sự hy sinh của gia đình.

mua-trung-thu-dac-biet-cua-hoc-sinh-tphcm.jpg
Vở kịch “Chiếc cặp sách của Rùa”.

Đặc biệt thông qua câu chuyện, các em được học về tầm quan trọng của tình bạn. Khi một bạn gặp khó khăn, các em phải biết chia sẻ, hỗ trợ, không chỉ là vật chất mà còn về mặt tinh thần. Sự đoàn kết giúp vượt qua thử thách và khó khăn trong cuộc sống, nhất là khi đối mặt với thiên tai hay nghịch cảnh.

“Hiện nay đồng bào miền Bắc đang chịu nhiều thiệt hại nặng nề của bão lũ; cả nước đang cùng chung tay, chung sức hướng về miền Bắc thân yêu. Đây là mùa trung thu đặc biệt nhất của học sinh nhà trường. Món quà trung thu với vở kịch ý nghĩa nhắc nhở các em biết quý trọng hơn nữa những gì mình đang có, biết quan tâm hơn nữa đến bạn bè và những người còn gặp khó khăn. Trong suốt tuần này, nhà trường cũng phát động học sinh ủng hộ đồng bào miền Bắc và các bạn phương xa đang gặp khó khăn của bão lũ, hiện số tiền nhận được đã là trên 40 triệu đồng”, cô Hà cho hay.

Tương tự, tại Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1) năm nay cũng không tổ chức lễ hội Trung thu như mọi năm, không khí Tết Trung Thu được vun đầy bằng những bài học về sự sẻ chia, tình yêu thương với đồng bào miền Bắc. Dù không có lễ hội như mọi năm nhưng học sinh nào cũng rất nhiệt tình. Các em đều muốn góp một phần nhỏ bé giá trị vật chất của mình gửi đến đồng bào và bạn bè miền Bắc. Đó là phần tiền ăn sáng, đó là phần tiền nuôi heo đất, đó là phần tiền mẹ thưởng khi đạt điểm cao… Tổng số tiền học sinh toàn trường ủng hộ gần 52 triệu đồng

Cô Bùi Thị Minh Châu, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, mọi năm Trung thu đều là dịp để nhà trường tạo sân chơi trải nghiệm cho học sinh, giáo dục các em về tình cảm gia đình đoàn viên. Năm nay, trong khi cả miền Bắc đang gồng mình trong đau thương của bão lũ, dịp Trung thu nhà trường chỉ tặng bánh cho học sinh khó khăn, giáo viên đóng chú Cuội, chị Hằng để động viên các em nỗ lực cố gắng vươn lên trong học tập… Còn lại, nhà trường lồng ghép giáo dục học sinh các bài học về tình yêu thương, lòng nhân ái, chia sẻ với đồng bào miền Bắc.

mua-trung-thu-dac-biet-cua-hoc-sinh-tphcm-4.jpg
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm quyên góp ủng hộ đồng bào miền Bắc.

Sẻ chia với học sinh miền bắc

Đầu tuần này, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1) tổ chức hoạt động “Vầng trăng yêu thương”. Nhằm giúp học sinh hình dung được những mất mát, tổn thất to lớn về con người, tài sản vì thiên tai, nhà trường đã mở video clip những hình ảnh nhiều tỉnh thành của miền Bắc tan hoang sau bão số 3, nhiều nơi bị lũ lụt, sạt lở đất khiến nhiều người thiệt mạng.

Cũng dịp này, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm phát động các đợt ủng hộ quyên góp từ các em học sinh, phụ huynh học sinh cùng giúp đỡ bà con các tỉnh phía bắc chịu ảnh hưởng thiệt hại sau bão số 3. Cô Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết các đợt nhận quyên góp ủng hộ sẽ kéo dài từ hôm nay tới hết ngày 30/9. Bên cạnh đó, nhà trường, các cán bộ quản lý, các giáo viên, nhân viên, phụ huynh, các em học sinh của nhà trường cũng hưởng ứng các lời kêu gọi ủng hộ giúp đỡ bà con miền Bắc từ Công đoàn ngành giáo dục TPHCM, từ các cơ quan, đoàn thể tại TPHCM.

mua-trung-thu-dac-biet-cua-hoc-sinh-tphcm-1.jpg
Học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng quyên góp ủng hộ đồng bào miền Bắc.

Tương tự, sáng 16/9, “Góp nắng yêu thương” đã diễn ra ấm áp tại Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Quận 1). Các thầy cô giáo, phụ huynh, các em học sinh đã cùng quyên góp tiền, tập vở, dụng cụ học tập, quần áo, ba lô... gửi tặng đồng bào miền Bắc đang chịu ảnh hưởng nặng nề sau bão số 3.

Cô Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trong buổi phát động nhà trường đã quyên góp được 61 triệu đồng và nhiều phần quà gồm cặp sách, tập vở, dụng cụ học tập. Trong những ngày tới, các em học sinh, phụ huynh vẫn có thể tới trường để gửi các phần quyên góp của mình.

Tất cả các món quà, từ tiền, hiện vật sẽ được Liên đội Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng phân loại, gửi tới MTTQ Việt Nam-Ban vận động cứu trợ Trung ương và Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Đa Kao (Quận 1) để nhanh chóng chuyển tới đồng bào, các em học sinh vùng thiên tai đang gặp muôn trùng khó khăn.

Cũng dịp trung thu năm nay, Trường Tiểu học Nguyễn Huệ cũng đã tổ chức Hội thi làm lồng đèn trung thu, chủ đề “Vũ khúc ánh trăng-Lung linh sắc đèn”. Mỗi lớp làm ít nhất 1 sản phẩm lồng đèn do các em học sinh tự thiết kế và lên ý tưởng, thuyết trình. Theo đó, gần 111 triệu đồng từ việc quyên góp và bán đấu giá gây quỹ các sản phẩm lồng đèn do chính học sinh thiết kế đã được nhà trường đóng góp ủng hộ đồng bào miền Bắc đang chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.