Gần 200 công sản sử dụng sai mục đích
Theo đó, UBND TP vừa giao thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, người đứng đầu các tổ chức và các doanh nghiệp quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công được giao theo đúng quy định. Công khai, minh bạch việc đấu thầu, đấu giá… khi sử dụng tài sản công để cho thuê, liên doanh liên kết, bán, chuyển nhượng.
Đối với việc xác định giá trị tài sản, xử lý tài sản khi thực hiện cổ phần hóa, TP giao thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập phối hợp với các bên liên quan định giá, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước. TP yêu cầu UBND các quận huyện, các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan lập báo cáo kê khai, tổng hợp và đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất đối với từng cơ sở nhà đất chưa thực hiện kê khai.
Đặc biệt, Thường trực Ban Chỉ đạo 167 (Sở Tài chính) phối hợp Bộ Tài chính và các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước khẩn trương kiểm tra việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất công của các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thuộc Trung ương trên địa bàn TP đã được Bộ Tài chính phê duyệt. Riêng với các tổng công ty, công ty 50% vốn Nhà nước trở lên thuộc TP báo cáo tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất công.
Động thái kiểm tra và tổng rà soát công sản xuất phát từ việc thời gian qua có nhiều vụ việc dẫn đến sai phạm của nhiều cá nhân, tập thể trong việc sử dụng, quản lý công sản, gây thất thoát lãng phí.
Thực tế, hiện trạng quản lý công sản lỏng lẻo, lãng phí tại TP vẫn đang khá nhức nhối. Báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP trong năm 2020 cho biết, qua khảo sát hiện trạng của 987/1.176 khu đất do các tổng công ty, công ty vốn Nhà nước đang quản lý, có đến 178 khu đất sử dụng sai mục đích.
Hàng nghìn ha đất công sản “biến mất”
Theo các chuyên gia, quỹ đất đô thị trong quá trình đô thị hóa chính là gà “đẻ trứng vàng” của TP. Tuy nhiên, thời gian qua công sản của TP đang được quản lý, sử dụng kiểu “cha chung không ai khóc” nên dẫn đến việc phát huy giá trị kinh tế các khu đất công chưa cao, gây thất thu, lãng phí cho ngân sách Nhà nước.
Rất nhiều khu đất công được giao cho các đơn vị quản lý rộng từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn mét vuông với vị trí và địa thế đắc địa đã bị bỏ hoang và sử dụng sai công năng không thương tiếc.
Đơn cử là khu đất có diện tích 3.600 m2 được UBND TP giao Công ty CP Lương thực TP theo hợp đồng thuê đất năm 2014 để làm chi nhánh và kho thực phẩm tại đường Trần Khắc Chân (huyện Hóc Môn). Tuy nhiên, trong quá trình quản lý sử dụng đơn vị thuê đất đã xây thêm 8 ki-ốt với mỗi ki-ốt khoảng 30 m2, diện tích còn lại thì cho thuê làm kho và bãi đậu xe tải.
Tương tự là khu đất diện tích gần 2.000 m2 của Công ty Phân bón Miền Nam quản lý trên đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân). Theo giấy tờ đăng ký thì đây là khu đất làm cơ sở sản xuất, trụ sở làm việc nhưng thực tế là bãi giữ xe do một cá nhân quản lý.
Hay mới đây, Thanh tra TP cho biết cơ quan này đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ, xử lý sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan dẫn đến việc “biến mất” 4.500 m2 đất công tại số 14 Phú Châu (TP Thủ Đức) sau quá trình cổ phần hóa tại Công ty TNHH MTV Dệt may Gia Định diễn ra vào năm 2015.
Theo Thanh tra TP, khu nhà đất số 14 Phú Châu được TP xác lập quyền sở hữu Nhà nước cho Công ty TNHH MTV Dệt may Gia Định vào năm 2007. Năm 2015, UBND TP phê duyệt khu đất trên là tài sản cố định cho Công ty TNHH MTV Dệt may Gia Định làm cơ sở giá trị doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa với yêu cầu: Phải quản lý sử dụng đúng mục đích, phải ký hợp đồng thuê đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước...
Sau khi cổ phần hóa, Công ty TNHH MTV Dệt may Gia Định trở thành Công ty CP Dệt may Gia Định. Lúc này cổ đông Nhà nước chỉ còn giữ 49% vốn điều lệ, 51% còn lại được bán cho cổ đông bên ngoài. Đến tháng 8/2016, khi lãnh đạo mới của Công ty CP Dệt may Gia Định bắt tay vận hành doanh nghiệp, kiểm tra lại tài sản thực thì phát hiện tài sản là khu đất tại số 14 Phú Châu lại đang thuộc Công ty CP Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Gia Định quản lý, sử dụng. Việc hô biến toàn bộ khu đất trên cho doanh nghiệp bên ngoài theo Thanh tra TP là có dấu hiệu vi phạm.
Trước đó, vào năm 2019, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Nhà Bè cũng bị Thanh tra TP bóc tách hàng loạt sai phạm, đề nghị thu hồi gần 900 triệu đồng có được nhờ tài sản công và chi sai mục đích.
Đặc biệt, năm 2019, khi các sở, ngành của TP tổ chức một đợt tra soát lớn về việc quản lý sử dụng và bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước tại 9 công ty công ích thuộc các quận 1, 3, 5, 9, 10, Tân Bình, Bình Thạnh, Thủ Đức và Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP kết quả đã lòi ra hàng loạt sai phạm.
Thanh tra TP phát hiện các đơn vị đã để xảy ra nợ đọng tiền thuê nhà tới 56 tỉ đồng/hơn 4.900 trường hợp, chưa kể hơn 1.000 trường hợp đã ở nhà đất công, nhưng chưa ký hợp đồng thuê, gây thất thu ngân sách.
Theo ông Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhà, đất công thì cần công khai tất cả các địa chỉ nhà, đất công hiện có trên địa bàn TP. Việc làm này, theo ông Thắng để người dân biết, thực hiện chức năng giám sát, phản ánh. Kế đến là để doanh nghiệp, nhà đầu tư - những đối tượng có nhu cầu đầu tư, quan tâm.
“Khi công khai địa chỉ đất, nhà công cần đầy đủ thông tin về tính pháp lý, được quy hoạch làm khu công nghiệp, khu đô thị, khởi nghiệp hay nhà ở xã hội… Việc này rất có lợi trong thu hút các nhà đầu tư khi đưa ra đấu giá sử dụng nhà, đất công. Bởi khi đó, nhà đầu tư sẽ biết nhu cầu của mình có phù hợp với nhà, đất đó hay không” - ông Thắng nói.