Ngay lập tức việc làm này được dư luận chú ý và bày tỏ sự đồng thuận cao.
Nhớ lại 3 tháng trước đây, Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) đã đưa ra con số “khủng” khiến dư luận không khỏi giật mình: Cả nước hiện dư ra khoảng 7.000 chiếc xe ô tô công. Trong đó có một cơ quan cấp bộ dư đến 176 chiếc; có cả địa phương cấp tỉnh dư đến 73 xe. Ước tính trung bình chi phí vận hành một chiếc ô tô công là 320 triệu đồng/năm, như vậy, tổng chi phí cho bảo trì và vận hành 7.000 xe công dư thừa là 2.240 tỉ đồng. Đã thế, riêng trong năm 2015 vẫn có hơn 600 xe công được sắm mới.
Theo lý giải của cơ quan chức năng, việc dôi dư xe công có nhiều nguyên nhân, như: Quyết định về quản lý tài sản công chưa phù hợp; một số nơi dù đã mua xe mới để thay xe cũ nhưng lại không báo cáo, đề nghị thanh lý những xe không sử dụng… Dư luận cho rằng dù viện dẫn lý do nào đi chăng nữa thì ngân sách Nhà nước đã phải gánh khoản chi khổng lồ như vừa nêu mà đáng ra để dùng cho các dự án phúc lợi dân sinh thì có ý nghĩa biết bao.
Trở lại tình hình thực tế, Nhà nước đã rất rõ ràng, minh bạch về những trường hợp chức danh nào được xe công đưa rước từ nhà đến nơi làm việc, giá trị mua sắm của mỗi chiếc xe này là bao nhiêu tiền; nhưng trên thực tế một số địa phương đã vung tay quá trán. Cụ thể xe công phục vụ không đúng đối tượng, tiền mua sắm xe vượt mức chi cho phép, sử dụng xe không vì việc công… Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Đây là một sự lạm dụng và lãng phí nghiêm trọng, nhất là trong điều kiện ngân sách của Nhà nước còn khó khăn. Số tiền ấy có thể đầu tư được rất nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội khác nên không thể nói là không ai có trách nhiệm gì được.
Theo lãnh đạo Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính): Hơn 100 bộ, ngành đang phải rà soát lại số lượng xe công, tới đây sẽ điều chuyển, sắp xếp xe từ nơi thừa sang nơi thiếu, xe nào hết khấu hao thì bán thanh lý.
Dư luận đang trông chờ sự chấn chỉnh, vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng để xe công phải thực sự phục vụ việc công. Người đủ tiêu chuẩn thì mới được sử dụng xe công với giá trị phù hợp. Cán cân dôi dư – thiếu hụt xe công sẽ được điều chỉnh hợp lý vì mục đích phục vụ lợi ích toàn dân.