Tại buổi tọa đàm, Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Nguyễn Tân Thịnh cho rằng, trong báo cáo ra Quốc hội, Chính phủ đánh giá công tác quản lý, sử dụng tài sản công thời gian qua đã dần đi vào nề nếp, tốt hơn nhiều so với trước đây.
Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng tài sản công được điều chỉnh bởi rất nhiều luật khác nhau, chưa có một luật nào quy định những quyên tắc chung trong quản lý, sử dụng tài sản công. Phương thức trang bị tài sản hiện nay lại chủ yếu vẫn thiên về hiện vật, như trang bị ô tô, máy tính… còn việc sử dụng các công cụ thị trường như thuê, khoán, sử dụng các hình thức đối tác công - tư trong việc đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành đối với quản lý tài sản công còn ít.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Đinh Văn Nhã, việc thí điểm đổi mới một số phương pháp quản lý, sử dụng tài sản công thời gian qua đã bước đầu mang lại hiệu quả, như việc thí điểm khoán xe công, mua sắm công tập trung một số các mặt hàng…
“Những phương pháp quản lý tài sản công hiện đại đã ghi nhận được những kết quả quan trọng. Chỉ tiếc rằng những phương pháp đó được luật hóa quá muộn, áp dụng trong phạm vi quá hẹp nên thành tựu chưa lớn, tác động ảnh hưởng chưa rộng”, ông Nhã nhìn nhận.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nêu bất cập khi địa phương nào cũng có cũng có cảng, có sân bay dẫn đến đầu tư quá dàn trải. Bên cạnh đó còn tình trạng “trọng tài khinh vật”, chỉ coi trọng về ngân sách, còn các tài sản hiện hữu lại coi thường, thậm chí hủy hoại và phí phạm.
Ông ví dụ không gian vỉa hè là tài sản quý giá phải được sử dụng chung nhưng lại bị chiếm dụng, rơi vào tay vài người. Hay việc quản lý 37 nghìn xe công không có gì ghê gớm, nhưng chúng ta chỉ có 900 chức danh, vấn đề là các xe còn lại kia xử lý như thế nào? Trong khi đó, các đồng chí lãnh đạo địa phương không đủ điều kiện có xe riêng nhưng vẫn có xe đưa đón hàng ngày, rồi còn đi đây đi đó công việc riêng.
“Nhiều loại tài sản còn chưa đưa vào hệ thống quản lý. Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2008 mới đưa 4 nhóm vào, còn rất nhiều tài sản để bên ngoài, nghĩa là buông lỏng quản lý, từ đó sinh ra nhiều tiêu cực khác. Cũng giống như anh ném xe đạp, xe máy ngoài đường thì chắc chắn sẽ có kẻ trộm. Đây là vấn đề rất nguy hiểm khi có đến 10 triệu tỷ đồng tài sản khác đang nằm rải rác ở khắp nơi mà chúng ta mới quản lý được hơn 1 triệu tỷ đồng, tức là 1/10 số tài sản trên thực tế, còn 9 phần chúng ta đang để bên phía ngoài”, ông Nhưỡng bày tỏ.
Các đại biểu tham dự tọa đàm (Ảnh: báo ĐBND)
Về giải pháp, ông Đinh Văn Nhã cho rằng, vấn đề quan trọng là phải công khai, minh bạch thông tin về tài sản công. Bất cứ đối tượng nào dù là người dân vào mạng cũng có thể biết xem bộ này, ngành này, địa phương này thậm chí là đơn vị tài khoản cấp 2, cấp 3 sử dụng tài sản công mua sắm như thế nào.
“Người dân có quyền tố cáo, khiếu nại người có quyền được giao quyền quản lý sử dụng tài sản không minh bạch, không công khai theo quy định của pháp luật”, ông Nhã nhấn mạnh.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, vấn đề đầu tiên là phải nâng cao nhận thức trách nhiệm của tất cả các chủ thể trong xã hội đối với tài sản công. Luật sắp tới cần phải đi sâu để mọi người hiểu thế nào là tài sản công, giá trị tài sản công.
“Tài sản công là tài sản của tất cả mọi người, toàn dân chứ không phải là chỉ của nhà nước. Người dân không thể đứng ngoài cuộc. Nhận thức này vô cùng quan trọng, phải xuyên suốt trong quá trình của lập pháp, hành pháp và tư pháp”, ông Nhưỡng bày tỏ.