Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu các đơn vị trường học tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2023-2024 trên tinh thần ngắn gọn, kéo dài trong khoảng 45 phút gồm các phần: văn nghệ chào mừng; nghi thức đón học sinh đầu cấp; chào cờ; tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; báo cáo và cắt băng khánh thành (đối với trường mới); đọc thư của Chủ tịch nước; diễn văn khai giảng của hiệu trưởng; đánh trống khai trường; tặng hoa chúc mừng; khen thưởng, trao học bổng (nếu có) và bế mạc chương trình.
Sau phần "lễ", nhà trường tổ chức phần "hội" để tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho học sinh. Tùy theo từng cấp học, phần "hội" sẽ có chương trình và đặc thù riêng.
Đối với bậc mầm non, trường học tổ chức Ngày hội “Bé vui đến trường” trong đó tập trung các hình thức sinh hoạt đa dạng, phong phú phù hợp từng đơn vị; tận dụng các không gian để bố trí các hoạt động như trò chơi vận động, các hoạt động phát triển thẩm mỹ, trò chơi dân gian, xem xiếc, múa rối… tạo không khí vui tươi phấn khởi cho trẻ.
Đối với giáo dục phổ thông (tiểu học, THCS, THPT), các trường đảm bảo 100% học sinh tham dự Lễ khai giảng.
Các trường không đủ điều kiện thì phải đảm bảo 100% học sinh đầu cấp và cuối cấp tham dự phần "lễ" nhưng phải đảm bảo 100% học sinh được tham dự phần “hội” chào đón năm học mới sau phần "lễ".
Tính đến ngày 28/8, cả hai bậc tiểu học và trung học đều đảm bảo 100% học sinh được cung ứng sách giáo khoa năm học 2023-2024. Riêng đối với học sinh khó khăn, thuộc hộ nghèo, cận nghèo, Sở GD&ĐT TPHCM phối hợp với Công viên văn hóa Đầm Sen thực hiện chương trình “Sách trao tay, tặng ngay vé cổng”, vận động được 21.217 bộ sách giáo khoa để tặng học sinh khó khăn. Ngoài ra, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng trao tặng 10.200 bộ sách giáo khoa mới (bậc tiểu học 5.500 bộ, THCS 3.300 bộ và THPT 1.400 bộ) cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.