TPHCM: Tiền chi theo kế hoạch, ngập vẫn mênh mông

GD&TĐ - TPHCM đang bước vào mùa mưa. Việc đẩy nhanh tiến độ các công trình chống ngập đang được Sở GTVT TP quan tâm.

Đường Nguyễn Văn Quá, Quận 12 bị ngập sâu sau cơn mưa nặng hạt cuối tháng 4 vừa qua.
Đường Nguyễn Văn Quá, Quận 12 bị ngập sâu sau cơn mưa nặng hạt cuối tháng 4 vừa qua.

Giai đoạn 2016 - 2020, gần 26 nghìn tỉ đồng đã được chi cho việc giảm các điểm ngập nặng nhưng kết quả chưa như kỳ vọng.

Vẫn ngập dù công trình… về đích sớm

Theo thống kê của Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, TP hiện còn 15 điểm ngập khi mưa vẫn chưa khắc phục được trong năm 2020. Tuy nhiên, đến hết quý I/2021 nhiều công trình chống ngập đã hoàn thành và chuẩn bị đưa vào sử dụng.

Tiêu biểu là dự án nâng cấp tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh dài 3,2km, tổng mức đầu tư gần 473 tỉ đồng đã hoàn thành vào cuối tháng 4. Bên cạnh đó là dự án xây dựng hệ thống thoát nước và cải tạo mặt đường Huỳnh Tấn Phát (đoạn từ cầu Phú Xuân đến phà Bình Khánh, huyện Nhà Bè) với tổng vốn gần 300 tỉ đồng...

Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng TP), giai đoạn 2016 - 2020, tổng kinh phí đã đầu tư cho công tác chống ngập của TP là 25.998 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc giảm các điểm ngập nặng trên toàn TP vẫn chưa như kỳ vọng.

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình giao thông - Sở GTVT TPHCM nhìn nhận: Ngoài nguồn lực tài chính cho công tác chống ngập thì các vướng mắc khác cũng cần được song hành tháo gỡ, có như thế thì các dự án chống ngập của TP mới đồng loạt về đích được.

“Bên cạnh những dự án hoàn thành đúng hạn, vẫn còn rất nhiều dự án đang gặp khó khăn trong tiến độ thực hiện vì nhiều nguyên do. Cụ thể như nhóm 3 dự án cải tạo hệ thống thoát nước nhằm giải quyết 4 điểm ngập trên các đường Tân Quý, Trương Công Định, Ba Vân và Bàu Cát dự kiến khởi công từ quý III/2020.

Nhưng đến nay nó vẫn chưa triển khai, dù đã đấu thầu xây lắp vì đã quá thời gian thực hiện. Các đơn vị liên quan đang phối điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Sau khi được phê duyệt điều chỉnh sẽ tiến hành khởi công trong nửa cuối năm 2021”, ông Phúc cho biết.

Theo ghi nhận sau những cơn mưa trái mùa tháng 4/2021, những điểm ngập dai dẳng ở TP có thể kể đến như tuyến đường Kha Vạn Cân, Quốc Hương, Tô Ngọc Vân (TP Thủ Đức), đường Bình Lợi (quận Bình Thạnh), Phạm Văn Chiêu, Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp), Nguyễn Văn Quá (Quận 12)... Trong đó, đường Tô Ngọc Vân (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Linh Đông, TP Thủ Đức) bị ngập nặng nhất, có đoạn ngập quá nửa bánh xe.

Bà Nguyễn Thị Sinh - người dân sống trên đường Nguyễn Văn Quá, Quận 12 cho biết con đường nơi gia đình đang sinh sống từ 4 năm nay chỉ cần một cơn mưa nhỏ là gần như bị ngập. Nhiều hôm mưa to, cộng triều cường cao thì con đường biến thành sông với nhiều chỗ ngập có thể đến gần 1 mét.

“Dù nhiều đoạn của đường đã được làm cống hộp to nhưng hình như chưa đấu nối được với hệ thống thoát nước toàn khu vực nên cơn mưa lớn cuối tháng 4 vừa qua vẫn khiến đường ngập nặng”, bà Sinh nói.

Cần nguồn lực lớn và các giải pháp đồng bộ

Ngày 25/1/2021, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án chống ngập và xử lý nước thải TPHCM giai đoạn 2020 - 2045 và Kế hoạch chống ngập, xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2030.

Theo đó, trong giai đoạn 2020 - 2025, về thoát nước mưa và chống ngập úng đô thị, 80% dân số đô thị của TP sẽ được hưởng dịch vụ thoát nước. Về thoát nước thải và xử lý nước thải, 80% tổng lượng nước thải trở lên được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường. TP cần tập trung giải quyết ngập bền vững cho vùng trung tâm rộng hơn 100km2 và cơ bản giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại.

Để hoàn thành mục tiêu dài hạn và đồng bộ trong công tác chống ngập của TP, mới đây Sở Xây dựng TP đã có báo cáo dự tính trình UBND TP về kế hoạch thực hiện chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2021 - 2025. Tổng nhu cầu vốn cho giai đoạn này là hơn 101.408,042 tỉ đồng.

Theo Sở Xây dựng TP, trước mắt để chuẩn bị cho mùa mưa và triều cường sắp tới, TP sẽ khởi công 12 dự án, trong đó 11 dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước các tuyến đường trong quý II & III năm 2021.

Ngoài 11 dự án này, TP cũng sẽ khởi công xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè có giá trị 307 triệu USD. Đây là gói thầu quan trọng nhất của dự án vệ sinh môi trường (giai đoạn 2). Việc đồng loạt khởi công 12 dự án chống ngập lớn trong 8 tháng cuối năm 2021, theo ông Đặng Phú Thành - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM là nhằm đồng bộ hạ tầng chống ngập, cũng như giảm điểm ngập theo lộ trình.

GS.TSKH Lê Huy Bá (chuyên gia đô thị - môi trường) nhận định TPHCM là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng ngập do thời tiết, triều cường nặng nhất so với các tỉnh, TP trong cả nước. Do vậy, TP có nhu cầu rất cấp thiết về các dự án, công trình chống ngập đạt hiệu quả cao.

Để đồng bộ quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập trước tình trạng trì trệ như hiện tại, GS. TSKH  Lê Huy Bá cho rằng, TP cần tháo gỡ được những vấn đề khó khăn về nguồn lực và quan tâm tính liên kết giữa các công trình thoát nước để đạt hiệu quả cao.

“Muốn làm được những điều này, nhất định phải thực hiện hợp tác đa ngành, trong đó cần một bộ phận đủ quyền hành, nguồn lực và chịu trách nhiệm trực tiếp điều phối các ban, ngành cùng tham gia”, GS.TSKH Lê Huy Bá nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ