TPHCM thông qua Đề án sữa học đường

GD&TĐ - Tại Kỳ họp thứ 10 HĐND TPHCM khoá IX (kỳ họp bất thường),100% đại biểu đã tán thành và thông qua Nghị quyết về Cơ chế hỗ trợ từ ngân sách thực hiện Đề án Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018 - 2020 tại TPHCM.

Đại biểu tại phiên họp nhất trí thông qua Đề án sữa học đường giai đoạn 2018 - 2020
Đại biểu tại phiên họp nhất trí thông qua Đề án sữa học đường giai đoạn 2018 - 2020

Học sinh tuyến huyện hưởng lợi trước

Theo đó, ngay trong năm học 2018 - 2019, Đề án sữa học đường triển khai đối với trẻ em mẫu giáo và thí điểm đối với học sinh tiểu học lớp 1 tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ và Bình Chánh.

Năm học 2019 - 2020 sẽ tiếp tục triển khai đối với trẻ em mẫu giáo, sơ kết rút kinh nghiệm và mở rộng thực hiện đại trà cho học sinh tiểu học lớp 1 tại 24 quận huyện. Cụ thể, học sinh sẽ uống sữa 9 tháng/năm học (trừ 3 tháng nghỉ hè). Mỗi học sinh sẽ uống mỗi ngày 1 hộp sữa có dung tích 180ml, mỗi tuần uống 5 lần.

Hình thức triển khai đề án thực hiện theo phương thức 3 bên: (ngân sách (30%): doanh nghiệp sữa (20%) và cha mẹ học sinh (50%). Riêng đối với học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn TPHCM; học sinh sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập đang học tại các trường thực hiện đề án, ngân sách TPHCM sẽ hỗ trợ 50% và doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50%.

Tổng ngân sách thực hiện đề án trong giai đoạn 2018 - 2020 là gần 1.135 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 350 tỉ đồng; doanh nghiệp cung cấp sữa đóng góp gần 240 tỉ đồng. Cha mẹ, các học sinh đóng gần 548 tỉ đồng.

UBND TPHCM đặt mục tiêu 90% trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học các trường tham gia đề án được uống sữa theo Chương trình sữa học đường. Đồng thời, 100% cha mẹ học sinh, người chăm sóc có con em tham gia đề án được truyền thông, tư vấn về Chương trình sữa học đường.

Cùng đó, TPHCM cũng đặt mục tiêu tỉ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo và học sinh tham gia đề án dưới 4,4%. Tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học tham gia đề án dưới 6,8%.

Đấu thầu cần công khai, minh bạch

Góp ý tại nghị trường, đại biểu Tuyết Nhung cho rằng: Đề án sữa học đường là một đề án đậm tính nhân văn, rất cần thiết để nâng cao tầm vóc trẻ em Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi thông qua cần có cơ chế giám sát trong công tác triển khai thực hiện. Đặc biệt là việc đấu thầu cần phải được thực hiện công khai, minh bạch. HĐND TPHCM cần có cơ chế giám sát chặt chẽ bằng việc sắp xếp lại Ban quản lý dự án cũng như tăng cường thêm Ban ATVSTP TPHCM, Trung tâm dinh dưỡng TPHCM vào để có thể giám sát tốt hơn việc thực hiện đề án.

Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Việc khảo sát để triển khai đề án được Sở thực hiện rất kỹ lưỡng với sự góp ý của các sở, ngành liên quan, ý kiến của phụ huynh, nhà trường tại tất cả 24 quận, huyện. Sở GD&ĐT cũng đã tổ chức lấy ý kiến cha mẹ học sinh về đề án. Trong đó, phát ra 260.695 phiếu, thu về gần 232.000 phiếu, nhận được 84,4% đồng thuận cho trẻ uống sữa tại trường 5 lần/tuần.

Đại biểu Tăng Hữu Phong cũng đồng thuận với mục tiêu của đề án. Tuy nhiên, ông vẫn băn khoăn các điều kiện để thực thi nó. Theo ông, để đề án hoàn thành thì cần có sự tính toán thêm, tránh gây gánh nặng, tác động đến một bộ phận phụ huynh có thu nhập thấp, chưa kể nhu cầu về dưỡng chất của từng học sinh, từng nhóm trẻ cũng khác nhau.

Đồng quan điểm, nhiều đại biểu cho rằng mục tiêu của đề án là không phải bàn cãi. Tuy nhiên cách thức thực hiện mới là mấu chốt cho thành công của đề án. Vì vậy, các đại biểu cho rằng HĐND TPHCM cần phải yêu cầu doanh nghiệp cung ứng sữa trả lời cho phụ huynh rõ ràng giá trị chiết khấu từng hộp sữa, việc xây dựng kho chứa sữa, kệ để sữa trong nhà trường có bị tính vào giá trị từng hộp sữa hay không.

“Chúng ta cần phải làm rõ và minh bạch mọi khoản cho phụ huynh hiểu. Đảm bảo sao mọi khoản đóng góp của xã hội, hỗ trợ của doanh nghiệp phải rõ ràng, tránh những điều tiếng không hay về đề án khi triển khai vào thực tế”- bà Nguyễn Thị Quyết Tâm góp thêm ý kiến.

Ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định công tác tổ chức, triển khai đề án chính là “chìa khóa” mang đến thành công của chương trình. Vì vậy, lãnh đạo UBND TPHCM rất quan tâm. Ngoài việc thành lập Ban chỉ đạo của đề án với sự tham gia của các sở, ngành liên quan thì sắp tới UBND TPHCM sẽ cân nhắc để bổ sung thêm một số đơn vị vào Ban chỉ đạo, làm sao để việc triển khai đề án mang lại hiệu quả cao nhất, tính giám sát chặt chẽ, minh bạch, công khai nhất có thể đến phụ huynh và nhân dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ