Theo đó, mục tiêu đạt 80% trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục với các hình thức giáo dục hòa nhập, giáo dục chuyên biệt; 50% các cơ sở giáo dục chuyên biệt và giáo dục hòa nhập đảm bảo điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật; giai đoạn 2014 - 2015. Các con số này giai đoạn 2016 - 2020 đạt 90 và 100%.
Bên cạnh phát hiện sớm, can thiệp sớm cho người khuyết tật, Sở GD&ĐT TPHCM đưa ra các giải pháp trợ giúp tiếp cận giáo dục:
Cụ thể, tổ chức tuyên truyền và vận động phụ huynh có trẻ khuyết tật đưa trẻ ra lớp; tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật mầm non được can thiệp giáo dục sớm và trẻ khuyết tật trong độ tuổi đi học được đến trường với các hình thực giáo dục hòa nhập, giáo dục chuyên biệt, trong đó giáo dục hòa nhập là hình thức chính.
Tổ chức khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt và giáo dục hòa nhập ở các cấp học; trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ.
Thành lập 5 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập người khuyết tật theo cụm quận, huyện theo hướng cơ sở vệ tinh.
Dự kiến, trong giai đoạn 1 (2014 - 2016) chuyển trường chuyên biệt Rạng Đông huyện Bình Chánh và Chuyên biệt Hướng Dương quận Tân Bình thành các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập cho người khuyết tật.
Đến giai đoạn 2 (2016 - 2020), tiếp tục chuyển trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu và 2 trường chuyên biệt thành 3 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập cho người khuyết tật; đồng thời mở rộng Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập người khuyết tật thành phố.
Bên cạnh đầu tư, cải tạo, mở rộng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và phục hồi chức năng tại các cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu giáo dục hòa nhập và chuyên biệt cho trẻ khuyết tật; Sở này cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở giáo dục cho trẻ khuyết tật.