Người thầy khuyết tật vượt lên số phận

GD&TĐ - Bước đi khó khăn vì đôi chân bị khuyết tật, nhưng thầy giáo Phạm Văn Tường ở xã Minh Sơn (huyện miền núi Ngọc Lặc, Thanh Hóa) vẫn luôn cháy bỏng niềm đam mê được mang sự hiểu biết của mình ngày ngày truyền thụ cho các lớp học sinh.

 Một buổi lên lớp của thầy giáo Phạm Văn Tường. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Một buổi lên lớp của thầy giáo Phạm Văn Tường. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Vượt lên số phận

Trong căn nhà cấp bốn đã cũ, bốn chiếc bàn học được kê ngay ngắn trong nhà cùng một chiếc bảng nhỏ. Hằng ngày thầy Tường  vẫn ngồi trên chiếc ghế băng cũ để dạy học cho học sinh. 

Lớp học nhỏ đó không những là tâm huyết mà còn là tình yêu của thầy giáo có số phận không may mắn ấy dành cho các em học sinh ở miền quê nghèo nơi thầy sinh sống.

Người thân của thầy kể lại, khi mới 7 tháng tuổi thầy Tường bị viêm màng não, rồi tay chân bị cong, teo nhỏ, vận động hết sức khó khăn, phải nhờ sự trợ giúp của mọi người trong gia đình. 

Dù đã được đưa đi chạy chữa nhiều nơi với nhiều phương thuốc và cách chữa trị khác nhau nhưng đôi chân của thầy Tường cũng chỉ cải thiện được phần nào. Việc đi lại với thầy vẫn vô cùng khó khăn.

Đến tuổi đi học, nhìn các bạn cùng trang lứa hàng ngày cắp sách tới trường, thầy Tường cũng mong muốn được học cùng các bạn. Thấy vậy, bố mẹ thầy đã xin cho thầy đi học. 

Ngoài những ngày đi châm cứu chữa bệnh, thầy Tường quyết tâm tập đi. Lúc đầu, tập đi lại quanh nhà, sau đó thầy cố gắng tập tễnh đến trường. 

Có những hôm đi được đến trường, áo đã ướt đẫm mồ hôi. Dù mệt mỏi, đau đớn nhưng với lòng hiếu học và nghị lực phi thường, thầy Tường đã vượt qua khó khăn, luôn dẫn đầu các môn học tự nhiên trong lớp.

Khác với các bạn, đôi chân không thể chạy nhảy, vui đùa.  Nhưng sự kiên trì, lòng dũng cảm vượt qua những khó khăn, sự khiếm khiết của bản thân, thầy Tường đã thi đỗ vào khoa Toán - Tin Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa).

Yêu nghề, khát khao được cống hiến

Năm 2006, thầy Phạm Văn Tường tốt nghiệp đại học. Khát khao trở thành người giáo viên, được đứng trên bục giảng truyền thụ những kiến thức đã học cho các em học sinh nhưng vì sức khỏe yếu, đi lại khó khăn nên việc xin về các trường giảng dạy cũng không thuận lợi.

Năm 2009, thầy Tường lập gia đình. Thầy đã đi làm nhiều nghề kiếm sống: Chụp ảnh cưới, đánh máy tính cho các cửa hàng trong huyện Ngọc Lặc... Tuy nhiên, trong sâu thẳm thầy vẫn khát khao được dạy học cho các em học sinh. Đặc biệt, là những học sinh nghèo ở quê hương.

Rồi thầy quyết tâm xin gia đình được mở lớp dạy học tại nhà. Ủng hộ ý tưởng của thầy, gia đình đã tạo điều kiện dành một gian nhà cấp bốn để thầy dùng làm nơi dạy học. Mong muốn được giúp đỡ trẻ em nghèo quê hương mình, thầy Tường đã dạy học cho các em mà không thu bất kỳ một khoản phí nào.

Lúc đầu lớp học chỉ vài em học sinh quanh xóm, “tiếng lành đồn xa”, rồi nhiều gia đình từ các làng, xã xa hơn, cũng đưa con em mình đến nhờ thầy kèm cặp, uốn nắn. Học sinh của thầy Tường chủ yếu là các em học THCS và THPT.

Thấy được tâm huyết, tình yêu thương của thầy với các em học sinh, nhiều phụ huynh cùng nhau đóng góp mong giúp đỡ thêm cho thầy để cuộc sống vợ chồng thầy đỡ vất vả, nhưng thầy đã từ chối. Mãi sau này, mọi người mới thuyết phục được thầy nhận phí học của các em để phụ thêm cho gia đình.

Lớn lên kém may mắn hơn người bình thường, nhưng với lòng yêu nghề thầy Tường vẫn luôn lạc quan. Ngoài những giờ dạy cho các em thầy lại say sưa nghiên cứu tài liệu, soạn giáo án, ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp dạy học, sao cho học sinh dễ hiểu bài nhất.

Xen vào những giờ học, các em còn được nghe thầy kể về những bài học làm người trong cuộc sống, những kiến thức xã hội phong phú, giúp các em có những kỹ năng sống. 

Cũng vì thế, mỗi tiết học của thầy là một giờ học bổ ích, được học sinh háo hức chờ đợi và lượng học sinh đến nhà thầy xin được học mỗi ngày một đông hơn.

Thầy Tường tâm sự, khát khao được cống hiến, được trở thành người có ích cho xã hội luôn thôi thúc thầy phải cố gắng làm việc. Mỗi ngày được đứng lớp truyền thụ kiến thức cho các em học sinh là niềm hạnh phúc vô bờ của thầy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ