Thông tin được ông Lê Hòa Bình - Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM chia sẻ tại buổi làm việc về tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng vừa tổ chức tại TPHCM.
Tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép
Theo đó, trước đây, TPHCM từng có lực lượng Thanh tra xây dựng trực thuộc UBND các quận huyện và xã phường theo Quyết định 89 của Thủ tướng từ năm 2007. Tuy nhiên, năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định 26 quy định thanh tra xây dựng chỉ có 2 cấp là Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở. Lực lượng thanh tra xây dựng tại TPHCM phải sắp xếp lại, trực thuộc Thanh tra Sở Xây dựng với hơn 1.000 biên chế. Ở cấp quận, phường chỉ còn các Đội trật tự đô thị phụ trách các vấn đề về trật tự lòng đường, vỉa hè.
Ông Lê Hòa Bình - Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM |
“Điều này đã tạo ra khoảng trống trong phối hợp giữa Sở Xây dựng và chính quyền địa phương - là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng xây dựng trái phép ngày càng diễn biến phức tạp và gia tăng. Vì vậy, TPHCM đã xin ý kiến Thủ tướng cho thí điểm lập lại Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND các quận huyện - tương tự mô hình trước đây” - đại diện Sở Xây dựng TPHCM thông tin.
Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Lê Hòa Bình cho biết đầu tháng 11/2019 sẽ triển khai chính thức việc ký kết liên tịch nhằm tăng cường nhân lực, chủ động phối hợp giữa Đội thanh tra địa bàn thuộc Sở Xây dựng với lãnh đạo UBND quận huyện.
Ngoài ra, triển khai liên tịch cũng chuẩn bị cho đề án đang chờ Thủ tướng Chính phủ thông qua là đề án thành lập thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị (trên cơ sở sáp nhập các Đội Thanh tra địa bàn thuộc Thanh tra Sở Xây dựng và Đội Quản lý trật tự đô thị thuộc Phòng Quản lý đô thị quận, huyện) thuộc UBND quận, huyện quản lý như đã triển khai ở thành phố Hà Nội.
UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xử lý các công trình xây dựng: không có giấy phép, lấn chiếm hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch; xây trên đất không được phép... Tổ công tác (do Phó chủ tịch UBND quận, huyện làm Tổ trưởng) kiểm tra, xử lý các công trình nhà ở riêng lẻ, công trình do UBND cấp huyện cấp phép; dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2...
“Việc thực hiện kế hoạch liên tịch góp phần chấn chỉnh, khắc phục những yếu kém trong phối hợp giữa Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện trong công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn; tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, không đúng quy định của pháp luật... Hiện nay, Sở Xây dựng đang xây dựng ứng dụng kết nối giữa người dân và Sở Xây dựng, công khai danh sách nhà ở thương mại, nhà ở xã hội đủ điều kiện huy động vốn để người dân mua nhà tiếp cận pháp lý cũng như công bố, niêm yết các thủ tục liên quan đến lĩnh vực xây dựng,” ông Lê Hòa Bình chia sẻ
Nhà xây dựng không phép tại huyện Bình Chánh được ngụy trang bằng lớp tôn chắn bên ngoài |
Xây dựng trái phép ngày càng diễn biến phức tạp
Thông tin do ông Lê Trần Kiên - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM đưa ra tại “Hội nghị triển khai các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả nhà nước về trật tự xây dựng” do UBND TPHCM tổ chức cuối tháng 7/2019, trong 6 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn thành phố có 6.825 công trình vi phạm; trong đó xây dựng không phép chiếm 51,2%. Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM đã ban hành 1.156 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trình Chủ tịch UBND TPHCM ban hành 185 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Về nguyên nhân tình trạng xây dựng trái phép trên địa bàn TP ngày càng diễn biến phức tạp, đại diện Sở Xây dựng TPHCM cho rằng do nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tăng cao làm phát sinh tình trạng mua, bán đất nông nghiệp, phân lô trái phép, xây dựng trên đất nông nghiệp; chậm triển khai quy hoạch đối với các dự án phát triển nhà ở; ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng chưa cao, lợi nhuận từ việc mua bán đất nông nghiệp, phân lô bán nền trên địa bàn thành phố rất lớn...
Từ đó, xuất hiện một số đầu nậu lợi dụng nhu cầu về nhà ở của người dân đã tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép và xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp để kinh doanh hoặc phân chia một căn nhà thành nhiều căn nhỏ và thực hiện mua bán dưới hình thức vi bằng.
Một nguyên nhân khác khiến tình trạng xây dựng trái phép ngày càng nghiêm trọng là do chính quyền cấp cơ sở quản lý lỏng lẻo, một số cán bộ, công chức chưa thể hiện hết tinh thần trách nhiệm, xử lý không kiên quyết, không triệt để, có tiêu cực. Bên cạnh đó, ở một số trường hợp, quan điểm xử lý công trình vi phạm giữa Thanh tra Sở Xây dựng với UBND cấp huyện, cấp xã còn khác biệt.
Trong đó, nổi cộm là Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Khu đô thị mới như Nam thành phố, Thủ Thiêm, Tây Bắc, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Khu Công nghệ cao chưa thường xuyên gửi kế hoạch kiểm tra, giấy phép xây dựng, quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình để Thanh tra Sở Xây dựng và Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi có công trình phối hợp kiểm tra.
Đặc biệt, tình trạng xây dựng trái phép trên địa bàn huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, Thủ Đức... trong thời gian qua diễn ra rất nghiêm trọng, một phần là do khu vực này có mức độ đô thị hóa rất nhanh.