Gia đình cán bộ quận Thủ Đức (TPHCM) xây nhà trái phép: Xử lý nghiêm, không có vùng cấm

GD&TĐ - Ngay sau khi báo chí phản ánh việc ông Lê Hữu Thành (Phó Chủ tịch Thường trực HĐND quận Thủ Đức) cùng em trai là Lê Ngọc Quí (Chánh Thanh tra quận Thủ Đức) xây dựng nhà trái phép trên nhiều khu đất, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã trực tiếp thị sát và chỉ đạo xử nghiêm cán bộ sai phạm.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trực tiếp thị sát công trình vi phạm và đưa ra chỉ đạo nóng
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trực tiếp thị sát công trình vi phạm và đưa ra chỉ đạo nóng

Làm việc với quận Thủ Đức, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: “Quan điểm của TP về xử lý các sai phạm trong xây dựng trái phép là không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Do đó, với những công trình sai phép của gia đình ông Lê Hữu Thành, tôi đề nghị Quận ủy Thủ Đức chỉ đạo các ban, ngành sớm có phương án cưỡng chế, tháo dỡ. Mong rằng với vai trò đảng viên, ông Lê Hữu Thành sớm tự giác tháo dỡ công trình sai phép”.

Xây trái phép 7 công trình

Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, khu đất mà gia đình ông Lê Hữu Thành tiến hành xây dựng trái phép (tại hẻm 419 Kha Vạn Cân, KP6, phường Hiệp Bình Chánh) có diện tích rộng gần 6.000m2 nằm trong đất quy hoạch Ga Bình Triệu theo Quyết định số 4940/QĐ-UBND ngày 11/9/2013 của UBND TPHCM.

Chỉ trong thời gian từ năm 2012 – 2018, gia đình ông Lê Hữu Thành đã xây dựng trái phép tới 7 công trình gồm nhà xưởng, nhà ở và kho. Cụ thể: Nhà xe rộng 470m2 do ông Lê Hữu Thành (Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND quận Thủ Đức) làm chủ đầu tư, vi phạm năm 2012; Xưởng giấy do ông Lê Ngọc Dương đang cho thuê, diện tích 570,4m2, xây dựng tháng 7/2015; Xưởng gỗ do bà Lê Thị Ngọc Phụng làm chủ đầu tư, diện tích 249,09m2, thời điểm vi phạm năm 2017; Xưởng cơ khí do bà Lê Thị Tuyết làm chủ đầu tư, rộng gần 200m2, vi phạm năm 2016; Xưởng cơ khí do ông Lê Ngọc Dương làm chủ đầu tư diện tích 176,79m2, xây dựng năm 2017; Công trình xây dựng do bà Lê Thị Kim Linh làm chủ đầu tư, diện tích 150m2, xây dựng tháng 9/2018; Công trình do ông Lê Hùng Sơn làm chủ đầu tư, diện tích 50m2, xây dựng tháng 6/2016.

Các công trình vi phạm trên đã bị UBND phường Hiệp Bình Chánh lập biên bản, yêu cầu tháo dỡ và cưỡng chế nhưng đến thời điểm Bí thư Nguyễn Thiện Nhân về kiểm tra vẫn tồn tại. Đơn cử công trình của ông Lê Ngọc Dương, dù đã bị lập biên bản vi phạm hành chính xây trái phép 177m2, có quyết định cưỡng chế tháo dỡ từ đầu năm 2015 và đến tận bây giờ vẫn chưa bị cưỡng chế. Công trình của ông Lê Hùng Sơn (50m2), dù đã bị cưỡng chế ngày 7/7/2016, nhưng sau đó ông này tiếp tục xây trái phép rồi bán cho ông Nguyễn Văn Tuyến…

Bà N.T.R, người dân cạnh khu vực công trình ông Thành cho biết: “Dân ở đây ai mà chẳng biết những công trình xây trái phép của các ông ấy. Nhưng do họ làm quan nên đâu ai dám đụng đến. Ban đầu thì dựng tôn tạm, sau một thời gian là xây tường phía trong rồi xây hoàn thành nhà để cho thuê, tôi nghe dân khu này gửi đơn tố nhiều lắm mà chẳng ăn thua gì, dân thì chỉ dựng hai cái vách tôn che nắng là đô thị xuống phạt, bắt tháo ngay, còn của các ổng thì chẳng ai dám đụng” - bà R nói.

Biên bản báo cáo xử lý sai phạm của phường Hiệp Bình Chánh
 Biên bản báo cáo xử lý sai phạm của phường Hiệp Bình Chánh 

Thủ Đức không ngán Chỉ thị 23?

Nhằm chấn chỉnh tình trạng lộn xộn trong xây dựng trái phép tràn lan ở các quận, huyện của TPHCM, tháng 7/2019, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã ký ban hành Chỉ thị 23 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TPHCM.

Chỉ thị 23 nêu rõ, phường, xã và thị trấn nào để xảy ra xây dựng không phép và trái phép mà không bị xử lý thì tổ chức Đảng nơi đó không được công nhận là trong sạch, vững mạnh. Người đứng đầu cấp ủy và chính quyền không được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bí thư quận ủy, huyện ủy chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy. Các chủ tịch UBND quận, huyện chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND TP về việc triển khai chỉ thị này.

Thế nhưng, báo cáo của Quận ủy Thủ Đức với Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho thấy, chỉ trong 9 tháng của năm 2019, vi phạm xây dựng trái phép trên địa bàn quận là 168 trường hợp (tăng 139 vụ so với cùng thời điểm năm 2018); Riêng xây dựng trái phép là 98 trường hợp (tăng 55 trường hợp). Đặc biệt phường Hiệp Bình Chánh có đến 82 trường hợp xây dựng không phép. Dù ghi nhận được đầy đủ các vụ việc nhưng đến nay, quận Thủ Đức mới xử lý dứt điểm 25 trường hợp, còn 143 trường hợp đang xử lý, phường Hiệp Bình Chánh mới xử lý dứt điểm 5/82 trường hợp.

Cùng với việc vi phạm xây dựng tăng mạnh, vụ việc gia đình ông Lê Hữu Thành có 7 công trình sai phép ngang nhiên tồn tại, càng khiến dư luận không khỏi băn khoăn: Chỉ thị 23 có hiệu lực đến đâu ở quận Thủ Đức?

Theo quận Thủ Đức, nguyên nhân chậm xử lý vi phạm xây dựng là do gặp khó khăn vướng mắc trong việc lập, thẩm định, phê duyệt phương án phá dỡ theo quy định, người vi phạm không hợp tác. Riêng với công trình của gia đình “quan” Lê Hữu Thành, đại diện Quận ủy Thủ Đức thông tin: Quan điểm của Ban Thường vụ Quận ủy là xử lý nghiêm đối với các công trình vi phạm.  Lãnh đạo quận đã làm việc với  ông Thành. Qua các lần làm việc, ông Thành cam kết tự nguyện tháo dỡ nhưng đề xuất cần có thêm thời gian để thu xếp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ