TPHCM sau bão số 9: Cuộc sống đảo lộn vì ngập lụt

GD&TĐ - Hai ngày sau trận mưa lịch sử do bão số 9, một số tuyến đường tại TPHCM vẫn bị ùn tắc, nhiều khu nhà trọ, nhà dân trong hẻm ở khu vực Thủ Đức, quận 2, quận 7, Gò Vấp… nước vẫn chưa rút. Người dân đang nỗ lực bơm nước, dọn dẹp nhà cửa, sửa chữa xe cộ… để trở lại cuộc sống thường nhật.

Các cán bộ giáo viên Trường Mầm non Tuổi Thơ (quận 8) đang dọn dẹp sân trường sáng 27/11
Các cán bộ giáo viên Trường Mầm non Tuổi Thơ (quận 8) đang dọn dẹp sân trường sáng 27/11

Vài chục năm mới ngập đến vậy

Mưa lớn, nước tràn vào nhà, ông Nguyễn Phước Cường, 53 tuổi, ngụ tại đường Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Mỹ (quận 7) phải chạy máy bơm suốt ngày 26 cho đến gần trưa ngày 27/11 mới hút hết nước. Bà Minh, vợ ông Cường vừa phụ chồng dọn dẹp nhà cửa, vừa cho hay: “Gia đình tôi buôn bán nên mấy ngày nay nghỉ làm. Nước dâng 60 - 70 cm nên không đi chợ mua đồ ăn được, cứ nằm trên gác nhìn xuống. Có việc gì cần lắm mới lui xuống tầng trệt. Nước ngập khiến hai chiếc xe máy, tủ lạnh, máy giặt đều hỏng hết. Từ hồi nào tới giờ, nhà tôi mới ngập nặng như vậy, máy bơm hoạt động hết công suất mà giờ mới bơm hết ra ngoài”.

Cách đó không xa, gia đình chị Lê Thị Ngọc, ngụ tại số nhà 948 đường Huỳnh Tấn Phát (phường Tân Phú) cũng đang dọn dẹp hai cửa hàng thời trang và tiệm tóc sau trận ngập lịch sử. “Nước tràn vào khoảng nửa mét, hai cửa hàng cũng hư hỏng khá nhiều đồ đạc, vỡ hết cửa kính. Buổi sáng, chúng tôi tiếp tục đóng cửa hàng để dọn dẹp, ổn định lại mọi thứ, ngày mai mới bắt đầu hoạt động trở lại. 18 năm sinh sống ở đây, đây là lần đầu tôi thấy ngập sâu và lâu đến như vậy”, chị Ngọc nói.

Theo Trung tâm Chống ngập TPHCM, do ảnh hưởng của Bão số 9 (Usagi) trên địa bàn thành phố đã xuất hiện mưa to trên diện rộng kết hợp triều cao vào ngày 25/11. Đến sáng 26/11, lượng mưa đo được tại khu vực trung tâm TP HCM là 301 mm; Tân Bình là hơn 407 mm, Nhà Bè 345 mmm; Cần Giờ 293 mm. Đây là lượng mưa lớn nhất về thời gian và lưu lượng ở TP HCM từ trước đến nay, vượt cả lượng mưa lịch sử ngày 26/9/2016 (200 mm). Sau trận mưa này, địa bàn thành phố đã xảy ra ngập tại 102 tuyến đường, chiều sâu ngập từ 10 cm đến 70 cm, có nơi gần hết bánh xe. Một ngày sau, trên địa bàn toàn TP còn 31 tuyến đường ngập, chiều sâu ngập từ 10 - 40 cm.

 

Đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) là một trong những điểm ngập nặng của TPHCM. Một phần đường đang thi công nên ngập chồng ngập, nước thoát chậm khiến cuộc sống của người dân hai bên đường bị ảnh hưởng nặng nề, đi lại khó khăn. Theo ghi nhận, các tiệm sửa xe trên tuyến đường này rất đông khách. Anh Thái Hà nhân viện tiệm sửa xe Tiến Hưng cho hay: Từ hôm qua tới nay, tiệm sửa khoảng vài chục chiếc xe máy, chủ yếu bị nước vào nên thay nhớt, bugi, có xe bị nặng thay cả bộ máy…

Tại quận Thủ Đức, gia đình anh Minh Hoàng (làm tại Bình Dương) thuê trọ tại khu phố 4, phường Hiệp Bình Phước. Đến trưa ngày 27/11, nước ở khu vực này vẫn chưa rút hết. Các gia đình đều chuyển đến nhà người thân, hoặc thuê khách sạn trú tạm. Nhiều đồ dùng cùng 2 chiếc xe máy của gia đình anh hư hỏng nặng phải mang đang được đi sửa. Anh Hoàng kể, bình thường mưa lớn, khu nhà trọ bị ngập nhưng chỉ một hai tiếng là nước rút. Nhưng trận mưa vừa rồi quá lớn, nước ngập sâu tầm hơn 70cm, thoát chậm. “Ngồi trên gác lửng nhỏ, nhìn nước từ từ dâng lên, thật khủng khiếp…”, anh Hoàng nói.

Trước đó, sáng 26/11 khi ngớt mưa, vợ anh Hoàng cùng con gái ra thuê khách sạn gần đó lánh tạm, còn anh xin nghỉ ở nhà dọn dẹp. Nước đã rút nhưng chậm nên nhiều khả năng vợ con anh sẽ phải ở khách sạn thêm một đêm nữa.

Tuyến Quốc lộ 13 chạy qua địa bàn quận Bình Thạnh ngập nặng và kẹt xe ngày 26/11
  • Tuyến Quốc lộ 13 chạy qua địa bàn quận Bình Thạnh ngập nặng và kẹt xe ngày 26/11

Và những chuyện… ngoài ý muốn

Từ Đà Nẵng vào TPHCM sau dịp nghỉ cuối tuần, chiếc máy bay chở cô giáo Bùi Thị Minh Châu (giáo viên trên địa bàn quận 1) cùng gia đình đã phải đáp xuống sân bay Cần Thơ và lưu lại 6 giờ đồng hồ trước khi bay về Tân Sơn Nhất. “Giữa lúc mưa bão, hơn 5 giờ sáng ngày 26/11, gia đình tôi mới về tới nhà sau chuyến bay có thể gọi “có một không hai”. Về nhà trễ so với dự kiến nên chúng tôi cũng không thể dự đám cưới của người em họ được, kế hoạch bị đảo lộn chỉ vì mưa bão…”, cô Minh Châu nói.

Chị Mỹ Bình, nhân viên ngân hàng, ngụ tại chung cư Ehome, quận Bình Tân cho hay, chị đi đám cưới người bạn tại Cần Thơ vào trưa ngày 25/11, sau đó lên xe về lại Sài Gòn. Tới bến xe miền Tây, giữa lúc mưa bão, chị không thể gọi taxi về nhà, xe ôm, grab cũng… “tê liệt”, đi tìm mấy nhà nghỉ xung quanh cũng hết phòng nên đứng đợi tại quán nước ven đường cho tới hơn 2 giờ sáng mới đón được xe về nhà. “Bình thường chỉ mất 15 - 20 phút từ bến xe miền Tây về nhà tôi, hôm kia đúng là một trải nghiệm không ai mong muốn. Gia đình cứ gọi điện liên tục, ai cũng lo lắng. Nay về nhà bị cảm lạnh nên sáng 26/11 tôi xin nghỉ làm luôn”.

Khu nhà trọ tại KP4 phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) ngập sâu trong nước (ảnh chụp trưa 27/11)
  • Khu nhà trọ tại KP4 phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) ngập sâu trong nước (ảnh chụp trưa 27/11)

Có con nhỏ đang theo học ở Trường MN Tuổi Thơ (quận 8), ngôi trường bị ngập sâu đến sáng ngày 27/11 nước mới rút, chị Nguyễn Thị Hải (ngụ tại đường Bùi Minh Trực, quận 8) cho biết, do bé nghỉ học ngày thứ Hai và thứ Ba nên vợ chồng chị thay phiên nhau nghỉ phép để trông con. “Chúng tôi cũng hết sức thông cảm với nhà trường, vì đây là điều không ai mong muốn, 1 - 2 hôm nên phụ huynh cũng phải xoay xở để lo cho con cái, chỉ hơi cực một chút vì người thì nhờ hàng xóm trông con, người thì xin nghỉ làm. Có phụ huynh còn mang cả con lên công ty…”, chị Hải nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.