TPHCM nỗ lực rút ngắn khoảng cách giáo dục nội - ngoại thành

GD&TĐ - Điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập mà Sở GD&ĐT TPHCM công bố mới đây cho thấy sự chênh lệch đầu vào giữa các trường nội thành - ngoại thành. Chênh lệch này do các trường vừa phải bảo đảm chỉ tiêu tuyển sinh, vừa phổ cập, phân luồng và có cả khoảng cách về chất lượng giáo dục…

Giáo viên Trường THCS-THPT Thạnh An luôn chú trọng đổi mới các phương pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy.
Giáo viên Trường THCS-THPT Thạnh An luôn chú trọng đổi mới các phương pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy.

Chênh lệch nội - ngoại thành

Tại TPHCM, điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm nay không nhiều biến động so với các năm trước. Trong tốp 12 trường có điểm chuẩn cao nhất (từ 20 đến 24,25) điểm trung bình 3 môn Toán, Văn, Tiếng Anh của thí sinh phải đạt dao động từ 6,7 đến hơn 8 điểm mới trúng tuyển.

Ở phía ngược lại, các trường vốn có điểm chuẩn thấp trong những năm trước, năm nay chưa ghi nhận sự chuyển biến nhiều. Trong số 108 trường THPT công lập ở TPHCM, 9 trường có điểm chuẩn 10,5 điểm, chủ yếu tập trung ở các địa bàn ngoại thành như huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi… tức học sinh chỉ cần đạt trung bình 3,5 điểm/môn.

Xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) là nơi khó khăn nhất so với những nơi có nhiều trở ngại. Nhiều năm qua, thành tích học tập của học sinh nơi đây còn chưa cao. Thầy Nguyễn Bảo Ngọc, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Thạnh An, cho hay, trong những năm qua, giáo viên đã nỗ lực thực hiện tốt trách nhiệm, nhiệm vụ giảng dạy.

Mỗi thầy cô luôn có phương pháp dạy đa dạng, tuỳ theo đối tượng, lấy học sinh làm trung tâm. Tuy nhiên, thành tích học tập nhiều em trên địa bàn Thạnh An còn chưa cao. Thực trạng này không hẳn là do từ phía mỗi học sinh, mà còn từ các yếu tố trường, lớp, kinh tế - xã hội, sự quan tâm của phụ huynh.

Cũng theo chia sẻ của thầy Ngọc, điều kiện địa lý đã ảnh hưởng lớn đến việc học tập của các em. Năm học qua, trường không có thầy cô tiếng Anh nên phải thuê giáo viên thỉnh giảng. Trong khi đó trên địa bàn không có Trung tâm tiếng Anh, học sinh muốn học thêm phải di chuyển vào đất liền nhưng cũng rất khó khăn.

“Năm nay, trường có 46 em lớp 9 thi tuyển vào lớp 10, theo điểm chuẩn vừa công bố có 32 em đậu. Điểm thi năm nay của các em cao hơn so với các năm trước đó. Riêng với những học sinh không trúng tuyển sẽ qua hệ thường xuyên hoặc đi học trung cấp nghề. Nếu có điều kiện nữa thì theo học ở các trường tư thục”, thầy Ngọc chia sẻ.

Chênh lệch, không đồng đều điểm chuẩn giữa các trường THPT nội - ngoại thành là thực tế đã tồn tại nhiều năm ở TPHCM. Trong đó, điểm chuẩn vào lớp 10 ở mức thấp chủ yếu tập trung tại trường khu vực ngoại thành.

Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, trường ở khu vực ngoại thành có điểm chuẩn tuyển sinh thấp do nhiều nguyên nhân. Cụ thể học sinh ở ngoại thành lựa chọn học lớp 10 gần nhà để thuận tiện di chuyển; chất lượng chuyên môn đối với yêu cầu vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề thực tiễn ở khối THCS chưa cao ở khu vực này.

Ngoài ra, năng lực tiếp cận công nghệ thông tin của giáo viên, học sinh, phụ huynh còn thấp. Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, học sinh ngoại thành có điều kiện và năng lực học tập trực tuyến chưa cao…

Học sinh Trường THPT Phong Phú hào hứng tham gia sân chơi Khoa học vui do Đoàn trường tổ chức.

Học sinh Trường THPT Phong Phú hào hứng tham gia sân chơi Khoa học vui do Đoàn trường tổ chức.

Giải pháp nào để nâng cao chất lượng

Xóa bỏ dần khoảng cách giáo dục giữa ngoại thành và nội thành là một trong các mục tiêu luôn được TPHCM ưu tiên thực hiện. Nhiều cơ chế chính sách hướng đến đảm bảo sự đồng đều về khả năng tiếp cận giáo dục cho học sinh.

Ông Nguyễn Bảo Quốc cho biết, thời gian qua, UBND TPHCM, Sở GD&ĐT TP luôn chú trọng đầu tư xây dựng trường học. Cơ sở vật chất và trang thiết bị tối thiểu cho các trường ở khu vực ngoại thành luôn được các quận, huyện và TP Thủ Đức quan tâm. Những nỗ lực đó không chỉ vì mục tiêu đảm bảo đủ chỗ học cho trò, mà còn hướng đến xây dựng trường chuẩn quốc gia đảm bảo thực hiện nhiệm vụ nông thôn mới.

“Để nâng cao chất lượng dạy học ở các quận vùng ven và ngoại thành, Sở GD&ĐT TPHCM tiếp tục triển khai nhiều biện pháp như: Tổ chức hội thảo chuyên đề, mời chuyên gia truyền đạt ý tưởng, tạo động lực giúp nâng cao chất lượng quản lý chuyên môn của các trường.

Tiếp đó, tăng cường bồi dưỡng thường xuyên, tập huấn ngắn hạn về chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên; xây dựng kho học liệu số, khuyến khích giáo viên phát huy năng lực tự nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, công tác. Đồng thời thực hiện việc nâng chuẩn song song với bồi dưỡng nâng cao phương pháp giảng dạy cho đội ngũ nhà giáo...”, ông Quốc chia sẻ.

Nhờ nỗ lực rút ngắn khoảng cách giáo dục nên chất lượng đào tạo của nhiều trường dần ổn định. Trường THPT Phong Phú (huyện Bình Chánh) là một trong những cơ sở giáo dục ngoại thành có điểm chuẩn khi tuyển sinh những năm qua đều thấp, năm 2022 là 10,5 điểm. Theo chia sẻ của lãnh đạo nhà trường, mặc dù hạ điểm chuẩn xuống mức thấp, nhưng các năm trường không tuyển đủ học sinh so với chỉ tiêu, do dân cư trên địa bàn còn thưa, để đủ số lượng học sinh thì điểm chuẩn phải hạ. Tuy vậy, chất lượng dạy học của trường đã và đang được cải thiện.

Cô Nguyễn Thị Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phong Phú, cho hay, nhà trường có nhiều học sinh học lực không thua kém các em ở nội thành. Cụ thể, từ khi trường thành lập và đi vào hoạt động (năm học 2019 - 2020 đến nay) đã có 2 em đoạt giải Nhì cấp thành phố môn Ngữ văn; 2 em đoạt giải Nhất, 1 em đoạt giải Nhì và 6 em đoạt giải 3 trong Hội thi Khoa học kỹ thuật.

“Trong kỳ thi tuyển sinh 10 vừa qua, phổ điểm trung bình của học sinh có nguyện vọng vào Trường THPT Phong Phú là 13,75. Trong đó có em đạt 23,75 điểm. Năm nay là năm đầu tiên trường có học sinh thi tốt nghiệp THPT. Dù chưa có kết quả, nhưng qua nắm bắt của giáo viên, nhiều em đã làm tốt bài thi của mình”, cô Tâm chia sẻ.

Sở GD&ĐT TPHCM tiếp tục rà soát, phối hợp các quận, huyện, TP Thủ Đức đẩy nhanh tốc độ xây dựng trường lớp theo quy hoạch, có lộ trình thay thế trang thiết bị không phù hợp. Từ đó hỗ trợ tốt nhất việc nâng cao chất lượng dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và quản lý nhà trường. - Ông Nguyễn Bảo Quốc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ