TP.HCM: Nhiều giải pháp hỗ trợ học sinh thiếu điều kiện học tập trực tuyến

GD&TĐ -Sở GD&ĐT TP.HCM đã xây dựng các phương án để học sinh có thể bắt đầu năm học mới, ngay cả đối với những học sinh không có điều kiện học tập trên Internet.

Học sinh TP.HCM học online trong năm học 2020-2021. Ảnh minh họa
Học sinh TP.HCM học online trong năm học 2020-2021. Ảnh minh họa

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 chiều 4/9, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết theo thống kê sơ bộ Thành phố có khoảng 4% học sinh thiếu các điều kiện để học tập trên Internet.

Trước thực trạng trên, Sở đề xuất thực hiện các nhóm giải pháp hỗ trợ học sinh, đảm bảo việc học trong học kỳ I năm học 2021-2022. Cụ thể, dạy học qua truyền hình và sử dụng kho tài liệu trực tuyến của ngành. 

Để khắc phục phần nào hạn chế trong việc dạy – học trên internet, Sở phối hợp với Đài Truyền hình Thành phố triển khai sớm nhất việc dạy – học trên truyền hình.

Trong tháng 9/2021, sẽ ưu tiên các nội dung dạy cho học sinh kỹ năng tự học, hướng dẫn phụ huynh cùng tham gia, hỗ trợ con em mình học trên Internet. Về nội dung theo chương trình, sẽ có ưu tiên thời lượng cho các khối lớp nhỏ, lớp theo Chương trình GDPT 2018 và  lớp cuối cấp.

Đồng thời, kho tài liệu trực tuyến đã được Sở xây dựng từ năm 2020 tiếp tục được bổ sung, cập nhật, đảm bảo cung cấp tài liệu học tập cho học sinh và phụ huynh các cấp.

Bên cạnh đó là giải pháp hỗ trợ điều kiện học trực tuyến cho học sinh (đường truyền, thiết bị, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…)

Các trường đã chủ động vận động các mạnh thường quân đóng góp, hỗ trợ cung cấp các trang thiết bị phục vụ việc dạy-học trực tuyến trong nhà trường.

Trong thời gian sắp tới, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị viễn thông;  nhà cung cấp nhằm hỗ trợ các gói đường truyền, gói mua giảm giá hoặc trả góp các thiết bị nhằm đảm bảo đủ thiết bị, đường truyền phục vụ dạy – học trực tuyến cho học sinh.

Trong trường hợp học sinh quá khó khăn, không thể tiếp cận việc học trực tuyến bằng các hình thức trên; các trường sẽ thực hiện các phiếu học tập theo tuần.

Giáo viên sử dụng hệ thống của ngành để tiếp cận, đưa các phiếu học tập đến cho học sinh, đảm bảo các em nắm bắt được bài học, tiến độ học tập.

Những học sinh này sẽ được đánh giá, kiểm tra và tạo điều kiện quan tâm, kèm cặp riêng ngay khi có điều kiện học trực tiếp để bù đắp những hạn chế gặp phải.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM thông tin về kế hoạch năm học mới 2021-2022 tại buổi họp báo chiều 4/9. Ảnh T.Nhân
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM thông tin về kế hoạch năm học mới 2021-2022 tại buổi họp báo chiều 4/9. Ảnh T.Nhân 

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hiếu, các trường cần chuẩn bị kế hoạch đảm bảo chất lượng giảng dạy khi học sinh nhập học trở lại.

Cụ thể, khi thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh, các cơ sở giáo dục dần được giải phóng khỏi nhiệm vụ phòng, chống dịch, ngành GD-ĐT sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cho trẻ đến trường, tranh thủ “thời gian vàng”, ưu tiên các khối lớp 1, 2, đầu và cuối cấp chia nhỏ lớp để học trực tiếp; khối khác tiếp tục học trực tuyến đến khi ổn định trở lại.

Trường hợp việc học trực tuyến kéo dài, Sở sẽ nghiên cứu tham mưu sử dụng các tuần dự trữ, kéo dài thêm năm học, nhất là cho các lớp 1, 2 và đầu cấp để đảm bảo chương trình và kết quả học tập.

Thành phố chỉ đạo việc triển khai dạy - học không được gây áp lực, quá tải cho học sinh; phải triển khai linh hoạt, chậm, chắc, bám sát thực tiễn của từng địa phương, từng cơ sở giáo dục, không nóng vội, không chủ quan, không cào bằng; thường xuyên giám sát, kiểm tra, điều chỉnh kế hoạch, tiến độ một cách phù hợp.

Liên quan đến việc vận chuyển sách giáo khoa, ông Hiếu cho hay, với sự chỉ đạo của UBND Thành phố, hai đơn vị là bưu điện Thành phố và Viettel Post sẽ hoàn tất công tác vận chuyển sách giáo khoa đến các trường trước ngày 6/9.

Sở cũng đã được các đơn vị chức năng tạo điều kiện mỗi trường cho phép 5 giáo viên được di chuyển trong thời gian giãn cách để hỗ trợ các đơn vị phát sách tận nhà cho học sinh trong ngày 5 và 6/9. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ