Năm học mới tại TPHCM: Thầy trò cùng nỗ lực

GD&TĐ - Ngày 1/9, học sinh THCS và THPT tại TPHCM bước vào năm học mới với hình thức trực tuyến.

Em Huỳnh Kiều My (lớp 11A13 Trường THPT Võ Văn Kiệt, TPHCM) bắt đầu năm học mới với hình thức trực tuyến.
Em Huỳnh Kiều My (lớp 11A13 Trường THPT Võ Văn Kiệt, TPHCM) bắt đầu năm học mới với hình thức trực tuyến.

Tuy không có bạn bè học cùng, không giảng đường nhưng học sinh, giáo viên và nhà trường đã cùng nỗ lực để theo đúng lộ trình của năm học.

Xây dựng hệ thống kết nối với phụ huynh, học sinh

Trước khi bước vào năm học mới, ngày 31/8, Sở GD&ĐT TPHCM  ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức hoạt động dạy học đầu năm học 2021 - 2022 đối với các trường THCS, THPT.

Theo đó, giáo viên chủ nhiệm lớp sẽ phối hợp với giáo viên bộ môn liên hệ đến cha mẹ học sinh và học sinh trong lớp mình phụ trách để hướng dẫn học tập trên Internet, lập thời khóa biểu học tập tại nhà. Riêng những học sinh không có điều kiện học trực tuyến sẽ nhận được sự hỗ trợ của đội ngũ cán bộ điều phối (mỗi phòng GD&ĐT, mỗi phường xã, mỗi trường học có 1 cán bộ điều phối). Các cán bộ điều phối sẽ mang tài liệu học tập giao đến tận nhà cho học sinh.

Trao đổi với Báo GD&TĐ ngày 1/9, ThS Lê Thị Hồng Anh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (Quận 8, TPHCM) - cho biết: Do có kinh nghiệm từ đợt dịch trước, năm học này trường chủ động trong công tác chuẩn bị, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng dạy - học trực tuyến cho 1.700 học sinh thuộc ba khối. Nhà trường cũng tiếp nhận và tạo điều kiện cho một học sinh lớp 11 của tỉnh Gia Lai được xếp lớp và học tập cùng với học sinh của nhà trường.

“Đối với học sinh đầu cấp, nhà trường xây dựng hệ thống kết nối và kênh thông tin liên lạc giữa phụ huynh, học sinh khi trúng tuyển vào trường. Đặc biệt, nhà trường tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến “Hành trang mùa khai trường” dành cho phụ huynh, học sinh có những quan tâm, thắc mắc và kịp thời trợ giúp tâm thế cho học sinh thích ứng và thích nghi với phương pháp học tập trực tuyến như hiện nay” - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt cho biết.

Tại Trường THPT Gia Định (TPHCM), để chuẩn bị cho năm học mới, giáo viên chủ nhiệm của trường hoàn chỉnh danh sách khảo sát học sinh có thể tham gia học theo từng mức độ.

TS Hà Thị Kim Phượng, GV Trường THPT Gia Định (TPHCM), cho hay: Bản thân vừa tập trung theo sát những thông báo của trường về việc thực hiện giảng dạy online; Vừa tự mình đề ra kế hoạch, soạn bài dạy bằng nhiều cách để học sinh có thể nắm bài mà không mệt mỏi...

Tương tự, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức, TPHCM) đã tập huấn cho giáo viên và chạy thử ứng dụng Microsoft Teams. Theo thầy Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng nhà trường, nhà trường đang rà soát lại số lượng học sinh gặp khó khăn trong việc học trực tuyến, để có kế hoạch giúp đỡ cụ thể trong thời gian không học tập trung tại trường.

Học trực tuyến đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của thầy và trò.
Học trực tuyến đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của thầy và trò.

Giải pháp thích hợp

Theo ThS Lê Thị Hồng Anh, học tập trực tuyến là giải pháp thích hợp để học sinh tiếp thu kiến thức trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, hiệu quả của quá trình này sẽ bị hạn chế bởi thời gian và không gian tương tác, công nghệ cũng như điều kiện của mỗi gia đình. Do vậy, đòi hỏi học sinh phải có ý thức tự học và chủ động. Bên cạnh đó, vai trò của giáo viên vô cùng quan trọng. Nếu người thầy không cập nhật, đổi mới bài giảng sẽ rất khó thu hút học sinh.

Bàn về việc kiểm tra đánh giá học sinh, đại diện Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, cho hay, giai đoạn học trực tuyến có thể kéo dài từ 6 - 8 tuần nên giáo viên thực hiện việc đánh giá thường xuyên học sinh từ 1 đến 2 cột điểm. Các bài kiểm tra phải thực hiện theo ma trận đề và có sự thống nhất của tổ chuyên môn. Hình thức kiểm tra có thể là trắc nghiệm hoặc tự luận hoàn toàn và tổ chức kiểm tra học sinh trên phần mềm Google form, Azota, 789.vn…

Mặc dù đã quen với chuyện học online từ năm học trước, nhưng em Lê Thị Diễm Hằng (lớp 12XH2 Trường THPT Gia Định, TPHCM) cảm thấy hụt hẫng vì phải học online khi vừa mới vào năm học mới. “Thay vì được gặp bạn bè trực tiếp thì giờ chỉ qua màn hình. Không những thế, không phải ai cũng có điều kiện để học online: Máy tính hư, đường truyền mạng không tốt... Thêm vào đó, việc nhìn màn hình quá lâu khiến mắt mỏi và dễ gây buồn ngủ cho học sinh. Ngoài ra, bài giảng đôi khi khá khô khan, không có sự liên kết giữa giáo viên và học sinh” - Diễm Hằng chia sẻ.

“Điều quan trọng là giáo viên phải tạo động lực, thúc đẩy và khuyến khích học sinh tham gia vào hoạt động học tập trực tuyến và tự học. Giáo viên có thể quan sát và nhắc nhở, động viên qua email hoặc các phương thức giao tiếp phù hợp. Một kỹ thuật để tạo hứng thú và động lực học tập cho học sinh là nên chia một nhiệm vụ thành các nhiệm vụ nhỏ hơn và đưa ra phản hồi về một số hoặc tất cả nhiệm vụ này” - trích văn bản chỉ đạo của Sở GD&ĐT TPHCM.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.