TPHCM làm gì để 'tăng tốc': Thúc đẩy công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp

GD&TĐ - Để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng năm 2024, TPHCM cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp…

TPHCM cần tăng cường các chương trình khuyến mãi dịp cuối năm để kích cầu tiêu dùng. (Ảnh: Quốc Hải)
TPHCM cần tăng cường các chương trình khuyến mãi dịp cuối năm để kích cầu tiêu dùng. (Ảnh: Quốc Hải)

“Sức khỏe” doanh nghiệp suy giảm

6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TPHCM ước đạt 567.648,7 tỷ đồng, tăng 6,46% so với cùng kỳ. Trong mức tăng trưởng chung 6,46% này, khu vực thương mại dịch vụ đóng góp nhiều nhất với mức tăng trưởng tới 7,26%; khu vực công nghiệp - xây dựng có mức tăng trưởng 5,55%.

Đáng lưu ý, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn thành phố tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, dù kinh tế thành phố 6 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng, nhưng các động lực tăng trưởng vẫn chưa đạt như kỳ vọng, khả năng hấp thụ vốn còn yếu. Đặc biệt là việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Vấn đề cải cách thủ tục hành chính chưa có nhiều chuyển biến…

Các yếu tố hạn chế khác như: Cạnh tranh thu hút đầu tư FDI, giá thuê đất, chi phí logistics, hạ tầng còn yếu. Đó là rào cản, chưa hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Đáng lo ngại hơn, tình hình sản xuất trên địa bàn TPHCM đang chậm lại.

Doanh nghiệp dù có đơn hàng tăng trở lại, nhưng lao động giảm. Điều này cho thấy năng lực sản xuất hạn chế trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng nhanh làm giảm hiệu quả sản xuất.

Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) cho hay, kết quả khảo sát doanh nghiệp quý II/2024 của HUBA cho thấy hầu hết các doanh nghiệp đang hoạt động ổn định với tỷ lệ 57,1%, tăng hơn 6% so với quý I/2024. Điều này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp hiện nay đã tạm thời thích ứng với khó khăn. Tình trạng thanh lọc thị trường đang diễn ra với các doanh nghiệp vốn mỏng, quản trị yếu.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy số doanh nghiệp giảm doanh thu lại tăng vọt lên mức 30,4%; lượng hàng tồn kho tăng lên 34% và số dư nợ tăng lên mức 42%. Các doanh nghiệp nhỏ đang lâm vào tình trạng cạn kiệt dòng tiền.

“Kết quả khảo sát về khó khăn của doanh nghiệp chỉ rõ, có 50% doanh nghiệp khó khăn vì thiếu các đơn hàng mới; 29% doanh nghiệp khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng; 64% doanh nghiệp khó khi cầu tiêu dùng suy giảm; 16% doanh nghiệp gặp khó do thiếu vốn kinh doanh; 2% thiếu mặt bằng sản xuất kinh doanh; 30% doanh nghiệp khó khăn vì thuế, phí và các khoản nộp ngân sách cao”, ông Hưng dẫn chứng.

Để tháo gỡ khó khăn, HUBA kiến nghị lãnh đạo TPHCM đẩy mạnh kích cầu đầu tư và tiêu dùng; giảm các loại thuế, phí; hỗ trợ tín dụng, giảm lãi suất; đẩy mạnh đầu tư và phát triển thương mại, dịch vụ... HUBA cũng kỳ vọng Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi (có hiệu lực từ 1/8) sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế, pháp lý cho doanh nghiệp và khuyến khích sử dụng tài nguyên đất hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM cho rằng, để cải thiện các chỉ số tăng trưởng của kinh tế TPHCM thì cần hỗ trợ kết nối các thị trường, tháo gỡ các khó khăn hiện nay cho doanh nghiệp.

“Phải xác định tiêu dùng nội địa vẫn là động lực chính. Thành phố tiếp tục thực hiện các chương trình: Bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng, du lịch… Đồng thời thực hiện chi ngân sách đảm bảo theo dự toán, không để dồn vào cuối năm; thúc đẩy đầu tư công, tìm và mở rộng thị trường mới để tăng xuất khẩu”, ông Hoàng đề xuất.

tphcm lam gi de tang toc thuc day cong nghiep ho tro doanh nghiep (2).jpg
Nhiều doanh nghiệp cần các chương trình hỗ trợ vốn vay để phục hồi và phát triển. (Ảnh: Quốc Hải)

Ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng

Trong bối cảnh các động lực tăng trưởng của thành phố vẫn chưa đạt như kỳ vọng, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi ước tính, tăng trưởng GRDP trong quý III phải trên 7% và quý IV phải tăng cao hơn, có thể là 8% thì TPHCM mới đạt được mức tăng trưởng 7,5 - 8% trong năm nay.

Để đạt được mục tiêu này, Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị, trong quý III/2024, UBND TPHCM kịp thời triển khai thực hiện các quy định mới như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Tổ chức tín dụng… để tháo gỡ khó khăn cho các lĩnh vực y tế, đất đai, xây dựng, trái phiếu, bất động sản, du lịch…

Đặc biệt, UBND TPHCM tập trung ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng đã xác định từ đầu năm như: Đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu… Trong thu hút đầu tư cần chú trọng thu hút có chọn lọc các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào các lĩnh vực chiến lược, các dự án thân thiện với môi trường.

Về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu các sở ngành cần giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Các ban, ngành tích cực hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới công nghệ, hướng đến ngành nghề có giá trị gia tăng cao tham gia chuỗi cung ứng…

Ông Nguyễn Khắc Hoàng cho rằng, cần đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng số, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM, để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 thì trong 6 tháng cuối năm, TPHCM cần nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 93/NQ-CP với tinh thần “không cầu toàn, không nóng vội, không bàn lùi, chỉ bàn làm”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.