TPHCM làm gì để kinh tế 2025-2026 lập đỉnh?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các chuyên gia dự báo, kinh tế TPHCM sẽ phục hồi và sẽ tạo đỉnh tăng trưởng vào năm 2025 - 2026, nhưng còn nhiều việc phải làm.

Phục hồi thị trường BĐS là một trong những mục tiêu nhằm giúp kinh tế TPHCM phát triển.
Phục hồi thị trường BĐS là một trong những mục tiêu nhằm giúp kinh tế TPHCM phát triển.

Kinh tế phục hồi sau khi bắt đáy

Ngày 15/7, Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Theo đánh giá của Thành ủy TPHCM, nửa chặng đường của nhiệm kỳ này diễn ra trong bối cảnh khó khăn, phức tạp, chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19.

Những khó khăn, vướng mắc, tồn tại bên trong của TPHCM cũng tạo ra những thách thức quá lớn, có lúc tưởng chừng không thể vượt qua được.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, nhận định, kinh tế TP có lúc đạt được tăng trưởng 2 con số, cao gấp 1,5 - 1,6 lần so với bình quân cả nước. Tốc độ tăng trưởng suy giảm dần trong 10 năm qua và chạm đáy ở quý I năm nay.

Tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) năm 2021 của TPHCM suy giảm sâu ở mức -5,36% do đại dịch.

Từ đầu năm 2022, hoạt động kinh tế bắt đầu phục hồi tăng 9,03%. Trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế tăng trưởng đạt 3,55%.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, thời điểm quý I/2023, bộc lộ rõ những tồn tại ở TP từ nhiều năm trước do cơ chế kinh tế chậm được tái cơ cấu, thể chế quản lý đô thị còn nhiều bất cập.

3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực của TPHCM đều có điểm nghẽn, tác động tiêu cực đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Dù vị trí đầu tàu của TPHCM đang có xu hướng giảm, nhưng những tiền đề tạo ra từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cùng các cơ chế, chính sách của Trung ương và nỗ lực của TP, dự báo kinh tế TPHCM sẽ phục hồi trở lại.

Các chuyên gia dự báo, kinh tế TPHCM sẽ phục hồi và sẽ tạo đỉnh tăng trưởng vào năm 2025 - 2026.

"Vận hội vàng” đã có, chờ sự quyết liệt của cán bộ

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn 6 tháng đầu năm của Cục Thống kê TPHCM cho thấy, tuy kinh tế TPHCM còn nhiều khó khăn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS), xuất nhập khẩu giảm, ảnh hưởng đến thu ngân sách, nhưng nhiều hoạt động khác có diễn biến tích cực.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống, chi ngân sách đều tăng mạnh.

Nhiều dự án được khởi công, khách du lịch quốc tế đến thành phố tăng.

Trong quý II/ 2023, GRDP 6 tháng đầu năm của TPHCM tăng 3, 55% so với cùng kỳ.

Theo các chuyên gia kinh tế, từ những tín hiệu khả quan trên, cùng với các cơ chế, chính sách đặc thù từ Nghị quyết 98 của Quốc hội sẽ triển khai từ 1/8, TPHCM có thể đạt được mục tiêu kinh tế tăng trưởng, lập đỉnh 2 - 3 năm tới.

PGS.TS Nguyễn Văn Trình, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng, mục tiêu trên hoàn toàn thực hiện được, tùy thuộc vào nội lực của TP.

Hiện, cơ chế, chính sách cho sự phát triển của TP đã được Trung ương, Quốc hội ban hành, kiến tạo những động lực phát triển mạnh mẽ. Tình hình kinh tế thế giới, dù chưa hồi phục rõ rệt nhưng cũng có những dấu hiệu tích cực trong 2 - 3 năm tới.

Nút giao thông Mỹ Thủy, TP Thủ Đức - một trong các nút giao có lưu lượng giao thông lớn nhất TPHCM.

Nút giao thông Mỹ Thủy, TP Thủ Đức - một trong các nút giao có lưu lượng giao thông lớn nhất TPHCM.

“Có thể thấy, điều kiện và phương thức để kinh tế TPHCM phát triển đã có. Việc còn lại là tùy vào đội ngũ cán bộ của TP, có quyết liệt, triển khai các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội một cách triệt để hay không”, PGS.TS Nguyễn Văn Trình nhận định.

TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, đánh giá, chưa bao giờ TPHCM được trao một số cơ chế, chính sách mang tính hệ thống như lần này.

Một số nhóm cơ chế trong Nghị quyết 98 mở rộng phân cấp, phân quyền trên một số lĩnh vực mà trước đây phải trình lên Trung ương thì bây giờ giao cho TP.

Đây chính là cơ sở giúp TPHCM xử lý được nhiều vấn đề quan trọng. Nghị quyết còn giúp TPHCM huy động được nhiều nguồn lực, tháo gỡ cơ chế, điểm nghẽn về hạ tầng

Tại cuộc họp bàn về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm của UBND TPHCM, TS Trần Du Lịch cho rằng, từ đây đến cuối năm 2023, TP cần đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế lớn hơn vào năm 2024 để bù lại năm 2023.

TPHCM cần triển khai Nghị quyết 98 về thể chế, nâng cao năng lực bộ máy hành chính các cấp ngang tầm với nhiệm vụ của nghị quyết này.

TP cũng cần tập trung tháo gỡ những dự án, công trình bị ngưng trệ trong nhiều năm qua, nhất là các dự án liên quan đến đất đai. Việc này nhằm tạo sức bật cho thị trường BĐS ngay trong những tháng cuối năm.

Về phía chính quyền TPHCM, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cũng đưa ra các nhóm giải pháp về kinh tế - xã hội trọng tâm trong nửa nhiệm kỳ còn lại.

TPHCM sẽ rà soát điều chỉnh quy hoạch chung, tạo không gian phát triển mới bao gồm không gian ngầm, sông, biển.

TP tiếp tục xác định phát triển đô thị đa trung tâm: TP Thủ Đức là đô thị sáng tạo, tương tác cao ở phía Đông; Cần Giờ là đô thị sinh thái biển; Đô thị khu Nam với Phú Mỹ Hưng là trung tâm; Đô thị Tây Nam với Bình Chánh là cửa ngõ với ĐBS Cửu Long; Đô thị Tây Bắc gồm Củ Chi - Hóc Môn.

Một trong những điều kiện để sớm hình thành các đô thị này là phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống metro với mô hình phát triển giao thông công cộng TOD.

TPHCM cũng sẽ giải quyết tồn đọng, ưu tiên tập trung nguồn lực để xử lý những dự án đang trì trệ nhiều năm, như: Dự án chống ngập, khu đô thị Thủ Thiêm, Safari ở Củ Chi, khu Bình Quới - Thanh Đa.

TPHCM sẽ huy động các nguồn lực xã hội; tập trung nguồn lực để chỉnh trang, phát triển đô thị, phát triển y tế, giáo dục, an sinh xã hội.

Cục Thống kê TPHCM đưa ra 6 nhóm giải pháp thúc đẩy kinh tế TPHCM gồm: Hỗ trợ doanh nghiệp; Kiềm chế lạm phát; Nguồn lực vốn; Nguồn lực lao động; Nhân tố tổng hợp; Chính quyền TP. Trong đó, chính quyền TP cần triển khai ngay để Nghị quyết 98 đi vào thực tiễn cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ