TPHCM: Kiểm soát bạo lực nảy sinh từ mạng xã hội

GD&TĐ - Rất nhiều mâu thuẫn tuổi học trò đã nảy sinh từ trên mạng (ảo) mà hậu quả đã thành sự thật, vì sự thiếu kiểm soát của người lớn.

Một nhóm bạn trẻ vừa bị Công an TPHCM bắt khi gây thương tích, gây rối trật tự công cộng từ mâu thuẫn trên mạng xã hội.
Một nhóm bạn trẻ vừa bị Công an TPHCM bắt khi gây thương tích, gây rối trật tự công cộng từ mâu thuẫn trên mạng xã hội.

Mâu thuẫn ảo, hậu quả thật

Việc từ những mâu thuẫn nhỏ trên mạng xã hội rồi âm ỉ thành những mâu thuẫn lớn không thể giải quyết, dẫn đến những xung đột, bạo lực ngoài đời trong giới trẻ là chuyện không hiếm.

Mới đây, ngày 1/4/2022, Công an quận Bình Tân (TPHCM) đã tạm giữ hình sự 9 người từ 17 - 19 tuổi để điều tra, xử lý về hành vi “Cố ý gây thương tích”. Theo hồ sơ vụ việc, T.C.C (18 tuổi, quê Trà Vinh) quen biết với T.V do làm chung công ty tại quận Bình Tân.

Cả hai phát sinh mâu thuẫn vì những bình luận ác ý trên mạng xã hội. Để giải quyết mâu thuẫn, C đến công ty gặp T.V và N.T.P.U (19 tuổi) nói chuyện. Tại đây, đôi bên tiếp tục cãi nhau và hẹn ra công viên đường nội bộ Khu y tế kỹ thuật cao (quận Bình Tân) để giải quyết mâu thuẫn.

N.T.P.U và T.V sau đó gọi điện cho một số bạn bè chuẩn bị hung khí tiếp ứng khi cả hai gặp nhau giải quyết mâu thuẫn. Hậu quả của cuộc chiến “giáp lá cà” là 2 người của hai nhóm bị trọng thương và một người không liên quan bị chém oan (chém nhầm) với tỉ lệ thương tật trên 20%.

Công an TPHCM cũng vừa khởi tố, bắt tạm giam Đỗ Thành Nhân (SN 2003), Lưu Tiến Đạt (SN 2004), Nguyễn Huỳnh Nhật Hào (SN 2004, cùng ngụ huyện Hóc Môn) và nhiều đối tượng khác để điều tra về tội “Giết người”, “Cố ý gây thương tích” và “Gây rối trật tự công cộng”.

Được biết, trước đó, ngày 16/3/2022, N.T.D. (SN 2003, ngụ huyện Hóc Môn, là bạn gái của Nhân) dùng tài khoản mạng xã hội nhắn tin với N.K. (SN 1999) và P.K.D. (SN 1998, cùng ngụ huyện Hóc Môn).

Sau đó, K. nói D. cho xem hình thì D. không cho. Lúc này, Nhân ngồi cạnh bạn gái nên lấy điện thoại nhắn lại cho K. với nội dung “Xem là xem sao vậy bạn”… Tối 17/3, Nhân đi ăn với D. thì K.D gọi qua mạng xã hội cho D. yêu cầu Nhân gửi vị trí để gặp nói chuyện. Bực tức, Nhân rủ Đạt, Hào và một số người khác đi gặp K.D.

Rạng sáng 18/3, nhóm Nhân mang theo hung khí, đi xe gắn máy tới quán cà phê ở đường Trần Văn Mười, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn thì gặp K.D. cùng 7 người khác đi trên xe máy, tay cầm mã tấu, cây chĩa… chạy hướng ngược chiều.

Thấy nhóm K.D., nhóm của Nhân dừng xe, xông vào đuổi chém. Trong lúc đuổi đánh, Nhân bị ngã và bị 1 người trong nhóm K.D. cầm dao chém vào chân. Còn K.D. thì bị Hào, Đạt cầm dao đâm vào chân và vào người, được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong. Biết tin K.D. chết, những đối tượng tham gia đánh nhau bỏ trốn. Tuy vậy, đến cuối tháng 3/2022, các đối tượng lần lượt bị Công an bắt giữ.

Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM -  cho biết, những vụ việc như trên xảy ra ngày càng nhiều khi người trẻ thiếu kiềm chế và thiếu kỹ năng sử dụng mạng xã hội.

Thượng tá Hà nhìn nhận các mạng xã hội đang được sử dụng phổ biến là kênh liên lạc hữu ích của người dân. Tuy nhiên, đây cũng là phương tiện để nhiều đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như lừa đảo, đăng tin sai sự thật, buôn bán hàng giả, xúc phạm người khác…

“Đáng nói, mạng xã hội hiện là nơi xuất phát khá nhiều vụ việc mâu thuẫn giữa người trẻ với nhau. Những mâu thuẫn ấy xuất phát từ những lời chửi bới, thách đố, dẫn đến việc hẹn nhau giải quyết mâu thuẫn ngoài đời. Đây là điều hết sức đáng quan ngại mà các bậc phụ huynh cần quan tâm, lưu ý”, Thượng tá Lê Mạnh Hà nói. 

Cần sự quan tâm của phụ huynh nhiều hơn

Theo các chuyên gia tâm lý, việc xây dựng thói quen sử dụng mạng xã hội lành mạnh rất quan trọng để tránh những nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe tâm thần cũng như kiềm chế được các mâu thuẫn có thể nảy sinh.

Dĩ nhiên, việc quyết định bao nhiêu là quá nhiều phụ thuộc vào độ tuổi, đặc điểm tính cách và văn hóa địa phương. Tuy vậy, theo TS Tâm lý Huỳnh Anh Bình, vấn đề mấu chốt vẫn là môi trường và không gian văn hóa người trẻ khi tham gia, giao lưu.

“Khi người trẻ tham gia sâu vào không gian văn hóa, giải trí, các diễn đàn mở trên mạng xã hội thì nguy cơ tiềm ẩn mâu thuẫn là thường trực. Do đó, rất cần sự chọn lọc thông tin cũng như sự chủ động đồng hành của phụ huynh”, TS Bình nói.

ThS Đặng Kiên Cường - Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM - nhìn nhận, mạng xã hội hiện nay như đời sống xã hội thứ hai của phần lớn học sinh và sinh viên. Thế giới mạng là ảo nhưng ảnh hưởng của nó tới người trẻ là thật. Trong khi đó, nhà trường, gia đình chưa quan tâm đúng mức và đúng cách.

Học sinh, sinh viên hay thanh, thiếu niên thường muốn tách mình khỏi sự bảo bọc của cha mẹ, muốn khẳng định bản thân. Các em dễ bị nhiễm độc trước thông tin tiêu cực, dễ bị hùa theo đám đông, làm những việc được nhiều người “like” bởi cho rằng nó đúng, hợp thời. Những mâu thuẫn, xung đột trên mạng xã hội giữa các cá nhân, nhóm bạn cũng diễn ra từ đó.

Để hạn chế những mâu thuẫn tiềm ẩn có thể nảy sinh bất cứ lúc nào từ các mối giao lưu trên mạng xã hội, sinh viên, học sinh cần được dạy sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, có văn hóa, có chính kiến, biết phản biện nhưng luôn chấp nhận sự khác biệt.

“Những buổi sinh hoạt chuyên đề với các chuyên gia am hiểu lĩnh vực này là cần thiết nhưng đây là cách làm trước mắt. Về lâu dài, cả trường học và gia đình phải song hành để hướng dẫn con em”, ThS Cường nói.

Theo TS Lê Minh Công - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe tinh thần, Trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG TPHCM), hiện nay đa số học sinh, sinh viên, thanh, thiếu niên đều sử dụng Internet và mạng xã hội.

Mạng xã hội trong bối cảnh của cuộc sống hiện đại hiện nay khá hữu ích khi giúp mọi người tìm kiếm thông tin, kết nối xã hội, giải trí… Tuy vậy, việc sử dụng mạng xã hội cũng có những tác động tiêu cực như làm giảm mối quan hệ thân mật thực tế, bị mất an toàn, an ninh, trong đó phải kể đến bạo lực, xâm hại, lạm dụng hay lừa đảo.

“Thực tế, những hành vi bạo lực có thể dễ bùng nổ dưới sự thúc đẩy của hội nhóm, các yếu tố có tính tiêu cực mà mạng xã hội mang lại hiện khá nhiều. Nếu người trẻ, học sinh, sinh viên không có kỹ năng và tiếp nhận thông tin không có tính chọn lọc thì rất dễ sa vào các mâu thuẫn vụn vặt.

Một số nghiên cứu cho thấy, mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến hành vi bạo lực ở thanh, thiếu niên, điều này có thể lý giải do khi sử dụng mạng làm cho gia tăng cảm xúc và nhận thức tiêu cực. Vì vậy, phụ huynh cần quan tâm giám sát, người trẻ cần có những tiêu chuẩn “phòng vệ” cho riêng mình trước những thông tin tiếp nhận”, TS Công phân tích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ