Từ 60 đến 87% phụ huynh đồng ý tiêm vaccine cho trẻ
Chiều 17/3, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 và phục hồi kinh tế tại TPHCM, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, qua khảo sát tỉ lệ phụ huynh đồng thuận tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi ở bậc mầm non đạt 60,49%, bậc tiểu học đạt 81,19%, bậc THCS (lớp 6) đạt 87,68% .
Hiện Sở GD-ĐT TPHCM đang tiếp tục phối hợp với Sở Y tế và các quận, huyện để thực hiện công tác chuẩn bị, tiến hành tiêm ngay khi có kế hoạch tiêm chủng vắc xin Covid-19.
Về việc nhiều phụ huynh chưa đồng ý cho trẻ tiêm vắc xin, đặc biệt là ở bậc mầm non, ông Trọng cho biết Sở đã giao các phòng giáo dục TP Thủ Đức và các quận, huyện tiếp tục tổ chức tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 để tăng tỷ lệ đồng thuận của cha mẹ học sinh.
“Việc tiêm vắc xin cho trẻ và việc đưa trẻ đi học trở lại tương đối độc lập. Do đó, trẻ chưa tiêm vắc xin Covid-19 vẫn có thể đến trường”, ông Trọng nhấn mạnh.
Ông Trọng cũng cho biết, trong ngày hôm nay (17/3), Sở GD-ĐT TPHCM đã có văn bản chỉ đạo công tác tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em và học sinh từ 5 tuổi đến dưới 11 tuổi năm học 2021-2022.
Theo đó, Sở GD-ĐT TPHCM đã cung cấp số lượng trẻ từ 5 đến 11 tuổi về Sở Y tế để có căn cứ gửi Bộ Y tế về nhu cầu vaccine Pfizer cho nhóm đối tượng nêu trên.
Trên cơ sở phối hợp Sở GD-ĐT TPHCM đề nghị các cơ quan, đơn vị rà soát, lập danh sách trẻ em mầm non, học sinh thuộc độ tuổi tiêm chủng. Đồng thời phối hợp với y tế cơ sở và cha mẹ học sinh đánh giá ban đầu về tình trạng sức khỏe của trẻ, đặc biệt quan tâm đến các em mắc bệnh lý nền, béo phì… để phối hợp với ngành Y tế thực hiện phương án tiêm chủng bảo đảm an toàn cho trẻ em, học sinh.
Việc nhập đầy đủ thông tin trẻ em mầm non và học sinh từ 5 đến 11 tuổi vào Hệ thống tiêm chủng Covid-19 phải hoàn thành trước ngày 25/3.
Sở GD-ĐT TPHCM cũng đã chỉ đạo các phòng giáo dục quận, huyện và TP Thủ Đức cần phối hợp với Trung tâm y tế để tập huấn bổ sung cho các cơ sở giáo dục chưa tham gia tập huấn về quy trình tổ chức tiêm chủng vắc xin cho trẻ 5-11 tuổi trước đó.
Các cơ sở giáo dục cần có kế hoạch tuyên truyền, tư vấn cho phụ huynh về tác dụng, lợi ích của việc tiêm chủng, những phản ứng có thể gặp sau tiêm và trách nhiệm đảm bảo quyền lợi được tiêm của trẻ; Tạo sự đồng thuận cho các em được tiêm chủng, tăng cường vận động phụ huynh của những trẻ chưa đồng thuận.
Bên cạnh đó, phòng GD-ĐT cũng báo cáo danh sách các điểm tiêm cho trẻ em mầm non và học sinh từ 5 đến dưới 12 tuổi đã được UBND TP.Thủ Đức hoặc quận, huyện thẩm định và phê duyệt về Sở GD-ĐT TPHCM.
Thực hiện tốt công tác chuẩn bị
Để chuẩn bị cho đợt tiêm chủng vắc xin cho nhóm trẻ này, có hơn 5.600 cơ sở giáo dục đã tham gia tập huấn về công tác tiêm chủng.
Thông tin tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện tại 2 ngành Y tế và Giáo dục đã đang phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị công tác tổ chức tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.
Theo bà Mai, đợt tiêm vắc xin cao điểm, TPHCM đều tiêm 200.000-300.000 mũi/ngày. Từng có 1.000 đến 1.500 đội tiêm được thành lập rất nhanh và thực hiện việc tiêm chủng rất tốt.
“Sở Y tế cũng đã chủ động thực hiện tốt mọi khâu trong công tác chuẩn bị tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.Từ khâu tập huấn, chuẩn bị đến tiêm và theo dõi sau tiêm. Trong đó, đảm bảo kiểm tra thật kỹ càng từ khám sàng lọc, sơ cấp cứu, theo dõi sau tiêm, hướng dẫn gia đình xử lý tác dụng phụ sau tiêm”, bà Mai nhấn mạnh.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM ước tính có 950.000 trẻ 5-11 tuổi đã đi học và 20.000 trẻ chưa đi học trong diện được tiêm vaccine Covid-19