TPHCM hỗ trợ giáo viên mầm non: Bình đẳng công - tư

GD&TĐ - Bên cạnh chế độ, cơ chế chung toàn quốc, TPHCM có nhiều chính sách đặc thù dành cho giáo viên mầm non trường công lập và tư thục.

Giờ học của trẻ Trường Mầm non Hương Nắng Hồng (TP Thủ Đức). Ảnh: H.Q
Giờ học của trẻ Trường Mầm non Hương Nắng Hồng (TP Thủ Đức). Ảnh: H.Q

Nhiều chính sách hỗ trợ

Tại TPHCM, số lượng trẻ đang theo học và giáo viên công tác ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập chiếm tỷ lệ cao hơn hệ thống công lập, kể cả khu vực có và không có khu công nghiệp.

Cụ thể, tính đến tháng 10/2024, toàn thành phố có 3.281 cơ sở giáo dục mầm non gồm 1.261 trường và 2.020 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập. Trong đó, số lượng cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn có khu công nghiệp, chế xuất chiếm tỷ lệ 61,14% với 771 trường, 1.590 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập.

Mặc dù số lượng cơ sở giáo dục mầm non tăng nhanh, việc đảm bảo đủ số lượng và chất lượng giáo viên vẫn là thách thức lớn. Nhiều cơ sở giáo dục mầm non, đang phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên hoặc giáo viên không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn.

Nguyên nhân của tình trạng này có thể kể đến như: Áp lực công việc cao, mức lương chưa tương xứng với công sức bỏ ra, thiếu các chính sách hỗ trợ đặc thù cho giáo viên mầm non. Điều này đòi hỏi cần có giải pháp đột phá để thu hút và giữ chân đội ngũ giáo viên có chất lượng, đặc biệt là ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Bà Lương Thị Hồng Điệp - Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT TPHCM) cho biết, bên cạnh chế độ chính sách chung cho giáo viên mầm non trên cả nước, TPHCM có nhiều cơ chế đặc thù dành cho giáo viên mầm non. Cụ thể, HĐND TPHCM đã ban hành các Nghị quyết như: Nghị quyết số 27 năm 2021 về chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp; Nghị quyết số 01 năm 2014 hỗ trợ giáo dục mầm non,…

“Từ năm 2021 tới nay, TPHCM đã hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên do tính chất công việc (25 - 35% tiền lương/tháng) với tổng kinh phí hơn 374 tỷ đồng; hỗ trợ giáo viên mới ra trường với tổng kinh phí hơn 11 tỷ đồng.

Nhờ các chính sách này, giáo viên mới ra trường yên tâm công tác, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên thường xuyên được nâng cao, giáo viên tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và tiếp cận nhiều phương pháp tiên tiến để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ”, bà Lương Thị Hồng Điệp cho hay.

Tại Hội thảo về “Thực trạng và giải pháp thu hút đội ngũ giáo viên mầm non” tổ chức ngày 11/10 vừa qua, bà Lê Thụy Mỵ Châu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu các nhà đầu tư, nhà trường, ban giám hiệu cơ sở ngoài công lập xác định rõ tâm tư, nguyện vọng đội ngũ về chế độ chính sách, xem xét việc quan tâm đã kịp thời, đầy đủ chưa, bảo vệ được quyền lợi của đội ngũ chưa. Đối với hệ thống công lập, các địa phương soát đã thực hiện đúng quy định về tuyển dụng giáo viên.

tphcm-ho-tro-giao-vien-mam-non-1-2421-6571.jpg
Tiết dạy của giáo viên Trường Mầm non Phú Mỹ (Quận 7). Ảnh: M.A

Nỗ lực thu hút và giữ chân giáo viên

Theo thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM, cấp học mầm non có 2.611 cán bộ quản lý, 27.359 giáo viên và 11.458 nhân viên. Tính đến đầu năm 2024, số cán bộ quản lý mầm non công lập còn thiếu 278 người, riêng giáo viên thiếu 529 người ở các trường công lập.

Đáng chú ý, tình trạng thiếu hụt nhân sự không chỉ xảy ra ở khu vực công lập mà còn lan rộng sang khu vực ngoài công lập với 671 giáo viên. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy còn tạo áp lực lớn lên đội ngũ hiện có, buộc thầy cô phải làm việc quá tải để đáp ứng nhu cầu chăm sóc và giáo dục trẻ.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ chân và thu hút giáo viên mầm non, TPHCM đã đề xuất một loạt giải pháp như: Cải thiện chính sách tuyển dụng và đãi ngộ đối với giáo viên mầm non; xem xét tăng mức lương và các chế độ phúc lợi cho giáo viên mầm non. Thực tế, cải thiện thu nhập được xem là một trong những giải pháp then chốt để giữ chân nhân tài trong ngành Giáo dục mầm non,…

Bên cạnh đó, thành phố cũng xem xét các chính sách hỗ trợ khác như tiền thuê nhà, chi phí đi lại cho giáo viên đến từ các tỉnh thành khác. Những chính sách này nếu được thực hiện hiệu quả sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính cho giáo viên, từ đó tăng sự gắn bó với nghề nghiệp.

Ở góc độ các cơ sở giáo dục, những năm qua, để thu hút và giữ chân giáo viên, nhiều trường mầm non tư thục tại TPHCM cũng có chính sách “đặc biệt”. Đơn cử, Trường Mầm non Tây Thạnh 2 (quận Bình Tân) dành nhiều ưu đãi cho giáo viên trong trường.

Cô Nguyễn Thị Cẩm Đan - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Ngoài chính sách tăng lương, tham gia hoạt động thiện nguyện kết hợp tham quan, đi du lịch mỗi năm một lần, con của giáo viên, nhân viên trong trường còn được miễn học phí, tiền đóng cơ sở vật chất. Với giáo viên có thâm niên công tác từ 3 năm trở lên được thêm chế độ đãi ngộ đóng 100% bảo hiểm”.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hồng Quỳnh - chủ đầu tư 5 cơ sở mầm non tại TP Thủ Đức và Quận 12 cho hay, hằng năm, đơn vị đều có kế hoạch tăng lương theo thâm niên cho giáo viên. Việc này nhằm giữ chân nhân sự có trình độ cao đẳng, đại học đang giảng dạy tại trường và “chiêu mộ” thêm nhân sự mới. Ngoài ra, nhà trường cũng tạo điều kiện cho các cô học liên thông từ trung cấp lên cao đẳng để đáp ứng với quy định mới.

Bà Lê Thụy Mỵ Châu nhấn mạnh: “Để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non cần có định hướng lâu dài về quy mô trường lớp, số lượng giáo viên và trẻ theo học. Hiện các chế độ chính sách không còn phân biệt giữa hệ thống công lập và ngoài công lập. TPHCM đã có nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ cơ sở ngoài công lập. Do đó, đội ngũ giáo viên, người lao động phải có trách nhiệm thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình với nhà trường”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ