TPHCM: Hàng trăm giáo viên đào tạo lái xe dùng bằng giả

GD&TĐ - 249 giáo viên tại các trung tâm dạy nghề lái xe bị Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) phát hiện dùng văn bằng giả. Bên cạnh đó là hàng loạt các sai phạm về sân tập, tổ chức thi thực hành, ghi danh...

Hai trung tâm đào tạo sát hạch GPLX có sai phạm bị Tổng cục Đường bộ Việt Nam điểm mặt.
Hai trung tâm đào tạo sát hạch GPLX có sai phạm bị Tổng cục Đường bộ Việt Nam điểm mặt.

Đầy rẫy sai phạm trong quá trình hoạt động

Thông báo kết luận kết quả kiểm tra, xác minh đơn thư tố cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy các trung tâm dạy nghề lái xe tại TPHCM dính hàng loạt sai phạm như: Sân tập không đảm bảo, tổ chức thực hành “chui”, giáo viên sử dụng bằng cấp giả

Điển hình như sân tập lái xe tại Quận 12 của Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải TPHCM không đủ điều kiện theo quy định. Tại sân tập số 1 của trường này ở địa điểm trên, việc tập kết vật liệu xây dựng và rào chắn diễn ra gây mất an toàn. Điều kiện sân không đảm bảo nhưng vẫn tổ chức cho học viên tập trên sân.

Trung tâm Dạy nghề lái xe Bách Việt bị vướng sai phạm khi tổ chức dạy thực hành ở địa điểm chưa được Sở Giao thông Vận tải TPHCM cấp phép. Theo tài liệu, Trung tâm Dạy nghề lái xe Bách Việt thuê địa điểm số 389 đường An Nhơn Tây (huyện Củ Chi, TPHCM) làm sân tập lái để đào tạo lái xe các hạng B, C, E, Fc. Từ tháng 1/2019, trung tâm bắt đầu đào tạo lái xe tại địa chỉ trên, nhưng chưa được sự cho phép của Sở Giao thông Vận tải TPHCM.

Còn tại Trung tâm Dạy nghề tư thục Hoàng Gia trong năm 2018 và 2019 đã bán 25 xe và mua bổ sung 23 xe niên hạn giấy phép xe tập lái 2 năm. Tuy nhiên, trung tâm không báo cáo Sở Giao thông Vận tải TPHCM những xe tập lái đã bán. 

Trước đó vào tháng 3/2020, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải đã thông báo kết quả điều tra xác minh bằng cấp giáo viên dạy lái xe tại 4 trung tâm đào tạo sát hạch lái xe tại TPHCM theo đơn tố cáo. Kết quả có tới 54/68 giáo viên dùng văn bằng giả. 

Cụ thể, Trung tâm Dạy nghề lái xe Tiến Phát cả 5/5 giáo viên không đủ điều kiện là giáo viên thực hành. Trường Dạy nghề tư thục lái xe Sài Gòn có 10/12 giáo viên sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả. Tại Trung tâm Dạy nghề lái xe Hiệp Phát, Tổng cục Đường bộ phát hiện đến 38/44 giáo viên sử dụng văn bằng hoặc chứng chỉ giả, không đủ điều kiện tham gia dạy thực hành lái xe. 

Với kết quả xác minh mới nhất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam tại 17 cơ sở đào tạo lái xe, số giáo viên bị điểm mặt chỉ tên thiếu chứng chỉ, văn bằng sư phạm hợp pháp tại TPHCM lên tới con số 249 giáo viên. Trong đó có 76 giáo viên sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cấp sau ngày 1/12/2018 (Nghị định số 138/2018/NĐ-CP - Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe có hiệu lực).

TPHCM: Hàng trăm giáo viên đào tạo lái xe dùng bằng giả ảnh 1

Chấn chỉnh ngay các sai phạm

Trên kết quả điều tra, xác minh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Sở Giao thông Vận tải TPHCM chỉ đạo Thanh tra Sở lập biên bản xử phạt hành chính đối với Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải TPHCM và Trung tâm Dạy nghề Bách Việt vì đã vi phạm về sân tập lái. 

Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị Sở Giao thông Vận tải TPHCM cần rà soát thu hồi giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe của 249 giáo viên tại 17 cơ sở đào tạo lái xe. 

Đối với những giáo viên dạy thực hành sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp, Sở Giao thông Vận tải cần thu hồi giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành đã được cấp, không sử dụng giáo viên không đủ tiêu chuẩn để giảng dạy thực hành.

Ngày 21/8, ông Ngô Đình Quang - Trưởng phòng Quản lý sát hạch và Cấp giấy phép lái xe - Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, đã thành lập đoàn kiểm tra những đơn vị đã xảy ra sai phạm. Sẽ điều chỉnh lại giấy phép đào tạo, lưu lượng theo quy định. Sau khi có kết quả sẽ báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

“Hiện công tác kiểm tra đang được Sở Giao thông Vận tải TPHCM khẩn trương tiến hành, sớm chấn chỉnh sai phạm ở các trung tâm” - ông Quang nói. 

Ngoài ra, hiện thực trạng tụ tập đông người tại các trung tâm sát hạch và cấp GPLX cũng là mối quan tâm của nhiều người khi dịch Covid-19 vẫn đang phức tạp. Theo ông Ngô Đình Quang, Sở yêu cầu các trung tâm sát hạch lái xe thực hiện nghiêm túc bộ tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro lây nhiễm dịch bệnh Covid-19. 

Các trung tâm phải tổ chức khai báo y tế đối với học viên, giáo viên, sát hạch viên, nhân viên hỗ trợ tại kỳ sát hạch. Kiểm tra thân nhiệt mọi người khi đi vào trung tâm sát hạch. Lập hồ sơ theo dõi kết quả kiểm tra thân nhiệt (ít nhất 1 lần/ngày/người) với tất cả học viên, giáo viên, sát hạch viên, nhân viên hỗ trợ.

“Sở Giao thông Vận tải yêu cầu các trung tâm đào tạo, tổ chức thi sát hạch lấy GPLX chuẩn bị ít nhất 2 phòng cách ly (một cho nam, một cho nữ) để cách ly tạm thời các trường hợp có biểu hiện của bệnh (sốt, ho, khó thở) trong thời gian chờ cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý. Ngoài ra, Sở cũng đề nghị trung tâm y tế quận huyện phối hợp với cơ sở đào tạo lái xe hạn chế tổng số lượng học viên dự sát hạch cấp GPLX dưới 200 học viên/kỳ sát hạch. 

Các đợt thi chia làm nhiều khung giờ, đảm bảo mỗi khung giờ tập trung không quá 30 người, song song đó tiến hành hẹn giờ học viên đến dự sát hạch, đảm bảo số lượng tối đa 20 học viên/đợt vào phòng thi lý thuyết nhưng vẫn phải hạn chế số lượng người tập trung cùng một thời điểm, đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1 mét giữa hai người” - ông Quang thông tin

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.