TPHCM giãn cách 2 tuần để chặn nguồn lây

GD&TĐ - Việc gỡ bỏ giãn cách sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh tiếp tục có cơ hội lớn để phát tán và lây lan. 2 tuần bằng với thời kỳ ủ bệnh.

Tính đến 10 giờ ngày 15/6, TPHCM có 382 điểm phong tỏa. Ảnh: HCDC
Tính đến 10 giờ ngày 15/6, TPHCM có 382 điểm phong tỏa. Ảnh: HCDC

Vì vậy, áp dụng giãn cách trong khoảng thời gian này sẽ hạn chế khả năng lây nhiễm của virus SARS-CoV-2.

Quyết “chặn đứng” nguồn lây

Tính đến hết ngày 14/6, có 1.185 trường hợp mắc bệnh tại TPHCM do Bộ Y tế công bố. Trong đó, 939 trường hợp nhiễm trong cộng đồng (chiếm tỷ lệ 79,3%), 242 trường hợp nhập cảnh (20,4%), 4 trường hợp lây trong khu cách ly Vietnam Airlines (0,3%).

Bên cạnh đó, nhiều ca mắc mới tại TPHCM được phát hiện do lây nhiễm giữa những người làm việc chung tại các công ty, tòa nhà văn phòng. Trước tình hình này, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) đã ban hành công văn, yêu cầu điều tra, xác định người tiếp xúc với ca bệnh qua khai thác thông tin lịch trình làm việc.

Đồng thời, lập danh sách người tiếp xúc qua truy xuất camera và các biện pháp điều tra dịch tễ khác. Ngoài ra, phun hóa chất khử khuẩn toàn bộ tòa nhà. Người lao động sẽ được trở lại làm việc khi cách ly đủ thời gian quy định và có kết quả âm tính với Covid-19.

HCDC phân tích, mầm bệnh vẫn đang âm thầm trong cộng đồng. Do đó, việc gỡ bỏ giãn cách sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh tiếp tục có cơ hội lớn để phát tán và lây lan. 2 tuần bằng với thời kỳ ủ bệnh. Vì vậy, áp dụng giãn cách trong khoảng thời gian này sẽ hạn chế khả năng lây nhiễm của virus SARS-CoV-2.

Cũng theo HCDC, đợt dịch mới này nguy hiểm và phức tạp hơn trước. Bởi, khi phát hiện, dịch đã âm thầm lây lan từ trước. Bên cạnh đó, biến chủng B.1.6172 (Delta) có kỳ lây nhiễm ngắn, từ 2 - 3 ngày. Tình trạng này khiến virus lây lan rất nhanh. Vì vậy, “bài toán” được đặt ra là bắt kịp tốc độ lây của virus. Đồng thời, chặn những vòng lây nhiễm tiếp theo.

Do đó, HCDC nhấn mạnh, “chìa khoá” mấu chốt là nhanh chóng truy vết tất cả trường hợp F1 và F2. Làm xét nghiệm nhanh để có bằng chứng truy vết tiếp tục.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), giãn cách hiệu quả nhất đối với những nhóm người quá đông không thể kiểm soát (bãi biển, rạp chiếu phim). Tuy nhiên, trong gia đình, nơi làm việc, biện pháp giãn cách gần như không hiệu quả.

Chuyên gia này nhận định, những trường hợp lây trong gia đình, nơi làm việc có thể tiếp tục xuất hiện. Do đó, bác sĩ Khanh cho rằng, cần xét nghiệm gộp đại diện gia đình. Theo đó, trong mỗi gia đình, ai di chuyển nhiều nhất sẽ được xét nghiệm. Đây là biện pháp ít tốn kém và tiết kiệm thời gian. 

Biến thể lơ lửng lâu hơn trong không khí

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), hiện nay, mầm bệnh có thể vẫn lây lan trong cộng đồng. Các chuỗi mới phát hiện chủ yếu lây nhiễm qua các tiếp xúc gần tại nơi cư trú, làm việc. Do đó, để đạt được hiệu quả kiểm soát dịch bệnh trong thời gian giãn cách xã hội, HCDC khuyến cáo, cần tuân thủ đúng các quy định về giãn cách xã hội. Đồng thời, khai báo y tế khi có nguy cơ, chủ động khám bệnh khi có biểu hiện nghi ngờ.

Trước đó, Giám đốc HCDC - ông Nguyễn Trí Dũng đánh giá, biến chủng Delta có tốc độ lây nhiễm nhanh, nhẹ và lơ lửng trong không khí lâu hơn. Theo ông Dũng, biến chủng Delta gần giống virus H1N1. Điểm khác biệt là virus H1N1 có tỷ lệ xảy ra triệu chứng nhiều hơn so với biến chủng Delta.

Dù nhiều người bệnh có triệu chứng hơn khi mắc chủng Delta, nhưng nhìn chung, các biểu hiện thường nhẹ, bao gồm: Mệt mỏi, mất vị giác, khứu giác, ho nhẹ... Trong khi đó, bệnh nhân H1N1 ho nhiều, tốc độ lây nhiễm cao hơn.

Nhận định về biến thể mới, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), cho biết: “Các biến thể virus vẫn là SARS-CoV-2, nghĩa là đặc tính sinh học tương đồng nhau, tác động lên cơ thể con người theo cùng một cách”.

Việt Nam đang nhiễm hai biến thể Delta và Alpha với tốc độ lây nhiễm được ước tính tăng hơn 40 - 90% so với virus ban đầu. Tuy nhiên, bác sĩ Phúc nhận định, khả năng lây nhiễm của hai biến thể này gấp khoảng 3 - 4 lần. Tuy nhiên, điều đó chỉ xảy ra khi virus có cơ hội lây lan.

Bác sĩ Phúc đánh giá, mỗi người nên thực hiện các biện pháp phòng vệ cá nhân, giữ khoảng cách 2 mét, không tụ tập đông người ở những không gian kín kém thông gió như trong nhà, khai báo y tế. Khi đó, những biến thể virus khó có cơ hội lan truyền trong cộng đồng với tốc độ cao.

Nhận định về khả năng gây bệnh nặng của biến chủng mới, bác sĩ Phúc cho rằng, cần có cỡ mẫu đủ lớn. Đồng thời, có hồ sơ dịch tễ học và lây truyền, dữ liệu về tiêm chủng vắc-xin đã được theo dõi đủ thời gian, cũng như tỷ lệ và mô hình tái nhiễm. Khi đó mới đủ đưa ra kết luận về độc lực và khả năng vô hiệu hóa vắc-xin của biến thể virus.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.