TPHCM: Giảm khai thác nước ngầm từ năm 2021

GD&TĐ - Tại TPHCM việc khai thác nước dưới mặt đất (nước ngầm) đã vượt mức an toàn.

Một hộ dân tại Quận 9, TP Thủ Đức tiến hành khoan giếng trước cửa nhà.
Một hộ dân tại Quận 9, TP Thủ Đức tiến hành khoan giếng trước cửa nhà.

Để hạn chế thực trạng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường TP (TN&MT TP) đã ban hành kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn năm 2021.

Nước ngầm đang cạn kiệt

Theo lộ trình giảm khai thác nước dưới đất giai đoạn 2021 – 2023 của UBND TP, tổng lưu lượng giảm khai thác nước dưới đất trên địa bàn TPHCM là 50.000 m3/ngày. Trong năm 2021, dự kiến giảm khai thác 16.650 m3/ngày.

Sở TN&MT TP cho biết cụ thể lượng khai thác nước dưới đất của hộ gia đình sẽ giảm 8.000 m3/ngày; lượng khai thác nước dưới đất trong khu chế xuất, khu công nghiệp giảm 1.650 m3/ngày; lượng khai thác nước dưới đất bên ngoài các khu chế xuất, khu công nghiệp giảm 3.000 m3/ngày; lượng khai thác nước dưới đất của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV giảm 4.000 m3/ngày. 

Để thực hiện vấn đề nêu trên, Sở TN&MT TP cho biết sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức dừng khai thác, sử dụng nước dưới đất, trám lấp giếng theo quy định nhằm bảo vệ nguồn nước dưới đất, hạn chế các nguy cơ do khai thác nước dưới đất gây ra.

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TP cho biết, để triển khai kế hoạch, Sở sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ TN&MT dừng cấp phép mới các công trình khai thác tại các khu vực đã có mạng lưới cấp nước đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Song song đó, tham mưu UBND TP, kiến nghị Bộ TN&MT dừng gia hạn giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất cho các công trình khai thác không bảo đảm điều kiện theo quy định; giảm lưu lượng các công trình khai thác hiện hữu không khai thác hết lưu lượng đã được cấp phép.

“Riêng Sở TN&MT TP sẽ thực hiện dừng cấp phép, giảm lưu lượng khai thác 74 công trình với tổng lưu lượng giảm khai thác 8.650 m3/ngày; Dừng cấp phép khai thác 2 công trình với tổng lưu lượng khai thác 4.000 m3/ngày của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV theo lộ trình; giám sát việc chuyển sang công trình dự phòng phục vụ mục đích cấp nước an toàn của TP” - Giám đốc sở cho biết. 

Ngoài ra, Sở TN&MT TP sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác không phép. Đối với các trường hợp giấy phép còn thời hạn, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính, các nghĩa vụ nêu trong giấy phép.

Giảm khai thác nước ngầm sẽ chống sụt lún

Theo số liệu từ UBND TP, hiện trên địa bàn TP có khoảng 110.000 giếng khoan khai thác nước ngầm với đường kính và độ sâu khác nhau. Tổng khối lượng nước ngầm đang được khai thác là hơn 710.000 m3 mỗi ngày.

Trong đó, lượng nước ngầm được khai thác trong các hộ gia đình cao nhất là gần 356.000 m3 mỗi ngày; tiếp đến là các cơ sở kinh doanh không nằm trong khu chế xuất - khu công nghiệp với gần 173.000 m3. Thấp nhất là lượng nước ngầm sử dụng trong khu chế xuất - khu công nghiệp với hơn 58.000 m3 mỗi ngày.

Theo Sở TN&MT TP, hiện các hộ dân ở TP sử dụng song song hai nguồn nước máy và nguồn nước ngầm. Việc khai thác nước ngầm không chỉ diễn ra trong các hộ gia đình, mà còn ở các hộ kinh doanh và trong các khu công nghiệp.

Tuy nhiên, chính việc thiếu kiểm soát thực trạng đào và khai thác nước ngầm trên địa bàn suốt một thời gian dài dẫn đến việc nước ngầm đang bị khai thác quá mức, nhất là ở các quận huyện ngoại thành như: Gò Vấp, Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh. 

Ông Đinh Công Sản - Trung tâm Nghiên cứu Chỉnh trị sông và phòng chống thiên tai thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam nhìn nhận: Nguồn nước ngầm ngày càng khan hiếm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng như quá trình đô thị hóa cao cho nên việc hạn chế khai thác quá mức mà TP quyết tâm làm từ năm 2021 là rất cần thiết.

Theo ông Sản, nguồn nước mà TP lấy cho sinh hoạt và phục vụ cho công nghiệp ở khu vực TP thì có nguồn từ sông Sài Gòn và nước ngầm trong các khu vực. Nước ngầm bây giờ nhiều nơi đã cạn kiệt, TP đang khuyến cáo và gần như cấm không cho khai thác nữa vì nó gây ra hiện tượng lún sụt đất nền.

Biện pháp duy nhất hiện nay là sử dụng nguồn nước mưa để trả lại nước ngầm cho đất, ngăn chặn tình trạng sụt lún, ngập lụt đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

“Xu thế trong tương lai là mực nước ở hạ du ngày càng hiếm, TP buộc phải lấy nước trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng, tỉnh Tây Ninh xuống thì mới đủ cung cấp nước cho vùng hạ du, đặc biệt là TP. Việc khai thác nước ngầm ở TP đang ở mức báo động, không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề an ninh nguồn nước mà còn gây tác động lớn đến nền đất.

Vì vậy, ngoài việc vận động người dân hạn chế sử dụng nguồn nước ngầm thì TP cũng cần phải tính phương án lâu dài nhằm tránh tác động đến đời sống nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của TP” - ông Sản nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ