Từ hy vọng đến thất vọng
Thay vì kỳ vọng một mùa Tết bội thu, tạo tiền đề và sức bật trở lại cho DN, cuộc sống ổn định hơn của người lao động thì các DN làm du lịch buộc phải hủy, hoãn tour đến những vùng dịch để đảm bảo an toàn cho du khách. Thậm chí những vùng không có dịch khách cũng e dè, muốn hoàn tiền vì lo ngại dịch bệnh.
“Tiền tour phải hoàn về cho khách nhưng những khoản thanh toán cho các đơn vị cung ứng dịch vụ chưa thể thu hồi ngay. Vốn mỏng, sức khỏe tài chính của hầu hết DN đã kiệt quệ chẳng khác nào con thuyền giấy gặp phải cơn sóng lớn quét qua.
Tiền khách sạn và dịch vụ đi theo có thể lấy lại, nhưng tiền vé máy bay của khách “chết cứng” luôn vì phần lớn thanh toán theo kiểu trả sản phẩm trong tương lai, khó hoàn tiền vì hàng không cũng khó không kém lữ hành. Tất cả chìm nghỉm và tuyệt vọng vì dịch Covid-19” - chị Nguyễn Hồng Lan, Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành Lan Việt Nam nói.
Không chỉ những DN làm tour gặp khó, những cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú, khách sạn cũng đối mặt không ít gian nan.
Chị Phạm Thái Ngân - Giám đốc Công ty TNHH Thái Ngân Anh (chủ sở hữu khách Ngân Anh) trên đường Hồng Hà, Quận Tân Bình cho biết gia đình chị gom góp được ít vốn liếng sang nhượng lại một nhà hàng - khách sạn 4 sao tại địa chỉ trên từ sau đợt dịch thứ 2. Ngỡ tưởng Việt Nam đã ổn định và kiểm soát tình hình dịch bệnh nên gia đình đã dốc vốn đầu tư, sửa chữa lại khách sạn để “đón gió” mùa Tết Nguyên đán.
“Gia đình thuê mặt bằng hơn 13.000 USD/tháng. Trong khi đó mất hết 4 tháng sửa chữa, tạm ngưng hoạt động do đợt bùng dịch thứ 2. Ngỡ tưởng cuối năm sẽ yên ổn làm ăn ai ngờ dịch bùng trước Tết và khách sạn ngưng hoạt động đến nay khiến tài chính của công ty hết sức khó khăn. “Những ngày qua là chuỗi khủng hoảng của tôi và gia đình khi gần như mất tất cả. Hiện chi phí bù lỗ hàng tháng cho hoạt động của khách sạn hơn 400 triệu đồng trong khi nguồn thu không có khiến gia đình tôi như ngồi trên đống lửa” - chị Ngân nói.
Nhìn nhận tình hình của ngành du lịch trong bối cảnh năm 2021 bằng con mắt không mấy lạc quan, ông Phan Đình Huê - Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt cho rằng, để ngành du lịch TPHCM hồi phục được thì ít nhất phải đến cuối năm 2021 trong điều kiện dịch Covid-19 được khống chế hoàn toàn.
“Cá nhân tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay các DN trong ngành du lịch sẽ không dám làm gì. DN ngành du lịch thật sự đang rất khó khăn, nhưng hỗ trợ thực sự từ Nhà nước lại không tới đúng đối tượng. Nguồn lực cạn kiệt, phần nhiều DN không còn duy trì nổi văn phòng, nhân viên tứ tán khắp nơi, nhiều đơn vị chấp nhận phá sản” - ông Huê nói.
Tương lai vẫn đầy bất ổn
Nhìn về tương lai của ngành du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT của Vietravel quan ngại rằng ngành du lịch sẽ bị “san phẳng” nếu dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước trong thời gian tới.
Trong dịch Covid-19, ảnh hưởng nhất theo ông Kỳ chắc chắn không thể ngành nghề nào khác ngoài du lịch. Bởi phần lớn DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại TPHCM đều hướng đến các tour và khách quốc tế, khi dịch bùng phát các tour và đường bay quốc tế bị ngưng trệ thì hy vọng lớn nhất của các DN là sản phẩm nội địa.
“Nhiều DN đã thích ứng và chuyển dịch cơ cấu hoạt động để đảm bảo sự tồn vong của DN cũng như đảm bảo cuộc sống của người lao động. Tuy nhiên, thực tế hơn một năm qua cả việc khai thác nội địa cũng đứng hình thì DN không chết mới lạ” - ông Kỳ quan ngại.
Thực tế, ngành du lịch sẽ đối mặt với nhiều thách thức ngay cả khi dịch được kiểm soát. Đầu tiên là bài toán nhân sự. Thời điểm đầu khi dịch bùng phát, nhiều nhân sự trong ngành chuyển hướng làm ngành nghề khác với hy vọng có thể sớm trở lại với nghề. Nhưng rồi kéo dài suốt một năm dịch vẫn không thể khống chế một cách hoàn toàn khiến bao hy vọng quay trở lại với nghề của người lao động lịm tắt dần theo số ca nhiễm mới tăng từng ngày.
Để “trục vớt” con tàu ngành du lịch đang dần chìm, khi đợt dịch sát Tết bùng phát trở lại, Hiệp hội Du lịch TPHCM đã có văn bản gửi Bộ VH,TT&DL, Tổng cục Du lịch, kiến nghị các bộ ngành có chính sách hỗ trợ DN.
Trong đó có kiến nghị cho DN tiếp cận gói vay ưu đãi lãi suất 0% để giúp DN giữ chân người lao động và đẩy nhanh tiến độ phục hồi; kéo dài thời gian trả nợ ngân hàng đến hạn để DN không rơi vào phát sinh nợ xấu; cho phép DN và người lao động chậm nộp BHXH năm 2021 đến hết tháng 6/2022, đồng thời điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp năm 2021… Tuy nhiên, thực tế số DN tiếp cận được nguồn vốn trên không nhiều.
Chính việc kiệt quệ nguồn lực, hoạt động kinh doanh trở lại vẫn bị gián đoạn đã khiến cho không ít DN kinh doanh du lịch và người lao động chấp nhận bỏ hết để chuyển kế mưu sinh. Báo cáo của Sở Du lịch TPHCM cho thấy năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã làm ngành du lịch của TP bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các chỉ tiêu phát triển du lịch đều giảm mạnh.
Cụ thể, khách du lịch quốc tế giảm 84,8% so với năm 2019 (đạt 1.303.750 lượt), khách du lịch nội địa giảm 54,2% (đạt 15 triệu lượt), tổng thu từ khách du lịch giảm 40% (đạt 84.000 tỷ đồng). Doanh thu giảm, người lao động buộc phải nghỉ việc hẳn, hoặc nghỉ việc không lương chờ DN hồi phục trong bối cảnh dịch Covid-19 trong nước vẫn chưa hoàn toàn được khống chế… mang đến dự báo nhiều khó khăn và thách thức lớn cho việc hồi phục thị trường trong năm 2021.