Ngành du lịch mùa dịch: Giữ khách bằng... 360 độ

Ngành du lịch mùa dịch: Giữ khách bằng... 360 độ

Lung linh Huế - Hà Nội - Sài Gòn

Nếu không xảy ra đại dịch Covid-19 thì tháng 4 này Huế đã bước vào kỳ festival quốc tế đặc sắc. Thế nhưng, kế hoạch này đã không thể thực hiện mà phải lùi lại vào khoảng tháng 8 hoặc tháng 9 năm nay.

Cũng như các điểm du lịch khác, sau những tháng dài “lặng lẽ”, xứ Huế mộng mơ đang bắt tay vào việc kết nối và làm “nóng” hình ảnh của mình tới du khách qua việc ứng dụng công nghệ số. Khi đó, hình ảnh và các câu chuyện về Huế không chỉ được giới thiệu trên các trang thông tin điện tử chính thống mà vùng đất di sản này còn xuất hiện trên các diễn đàn du lịch như TripAdvisor, Traveloka…

Trên các trang web, các diễn đàn, bên cạnh lời giới thiệu ngọt ngào, xứ Huế còn lung linh, quyến rũ qua trải nghiệm giao diện ảnh 360 độ, 3D, công nghệ thực tế ảo... Bằng trải nghiệm này, dù không trực tiếp đặt chân đến Huế nhưng du khách vẫn có thể “ngắm” toàn cảnh thành phố từ trên cao hoặc “lạc bước” theo lời chỉ đường, dẫn lối tới các điểm du lịch: Chùa Thiên Mụ, Đại Nội, hệ thống lăng tẩm... Bên cạnh đó, ứng dụng Google Arts & Culture, nền tảng hoạt động như một bảo tàng trực tuyến còn đem đến cho du khách trải nghiệm cũng đầy thú vị với phiên bản số hóa 3D lăng Tự Đức.

Với Hà Nội, dường như những ứng dụng giao diện ảnh 360 độ, 3D, công nghệ thực tế ảo có dịp phát huy mạnh mẽ hơn trong thời điểm dịch bệnh này. Cũng vì, trước đó, nhiều điểm du lịch của Hà Nội đã thực hiện số hóa trên website travel360.vn như hồ Tây, phủ Tây Hồ, làng lụa Vạn Phúc, làng cổ Đường Lâm, Hoàng thành Thăng Long... Đặc biệt, UBND quận Hoàn Kiếm còn có trang thông tin điện tử Hoàn Kiếm 360 độ (webite: http://hoankiem360.vn) dẫn dắt du khách khám phá các địa điểm du lịch, di tích lịch sử, nơi tham quan, vui chơi giải trí... Hay như Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng đã thực hiện hình thức “Tham quan 360 độ”, làng gốm Bát Tràng thì tích cực cập nhật hình ảnh làng nghề trên website http://battrangtour.net...

Để kích cầu du lịch giữa dịch Covid-19, TP Hồ Chí Minh cũng bàn tính đến việc tổ chức các hoạt động quảng bá hình ảnh, nét đặc sắc của bánh mì Việt Nam – bánh mì Sài Gòn. Đặc biệt, thành phố này cũng tiến hành triển khai nghiên cứu, thực hiện số hóa các điểm đến du lịch bằng giao diện ảnh 360 độ, 3D, công nghệ thực tế ảo...

Kéo xa lại... gần

Hang Sơn Đoòng – một danh thắng kỳ vĩ của Việt Nam ở Xuân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình mới đây lọt top 10 tour du lịch thực tế ảo đáng tham quan nhất thế giới, theo bình chọn của trang báo nổi tiếng The Guardian (Anh). Khi đó, Sơn Đoòng 360 (nguyên bản của National Geograpic) được “sánh vai” cùng với: Grand Canyon và vườn quốc gia Yosemite (Mỹ); đỉnh Everest (Nepal); vườn quốc gia Trương Gia Giới (Hồ Nam, Trung Quốc); sông băng Perito Moreno (Argentina)... Du khách khắp năm châu dù ngồi nhà tránh dịch Covid-19 mà vẫn có thể thưởng ngoạn qua hình ảnh 360 độ từ máy tính hoặc điện thoại thông minh.

Dịp này, trang vietravel.com cũng đẩy mạnh tham quan 360 độ qua chuyên mục “trải nghiệm 360 độ” với hàng loạt địa danh nổi tiếng suốt từ Bắc chí Nam: Lào Cai, Hạ Long (Quảng Ninh), Hà Nội, Quảng Bình, Huế, Quy Nhơn, Nha Trang, Cần Thơ, Đà Lạt, Phan Thiết, Cà Mau, Phú Quốc... Trang Amazing Việt Nam của blogger Phạm Hoài Nhân cũng nóng hổi với biết bao bài viết, như hình ảnh về văn hóa, du lịch được “góp nhặt” ngay trong mùa dịch. 

Khi ấy, du khách sẽ không khỏi lâng lâng niềm mong chờ, háo hức ngày được đến, được trở lại trước một phố cổ Hội An vàng rực hoa sưa, một Hoàng cung Huế điểm thêm sắc tím của hoa ngô đồng... Bên cạnh đó, du khách còn được thỏa lòng nhớ thương khi bước vào chương trình “Dọc đường ẩm thực” hay si mê khi chiêm ngưỡng phong cảnh quê hương đất nước: “Tây Bắc kỳ bí”, “Việt Nam qua góc nhìn flycam” cũng do Amazing Việt Nam thực hiện và được phát độc quyền trên ứng dụng POPS.

Có thể thấy, giữa thời điểm “ai ở đâu, ở yên đó”, du khách trong nước và quốc tế vẫn có thể đến khắp các điểm du lịch của Việt Nam “vi vu” khi sử dụng các nền tảng iOS, Android, Windows Phone, Web Browser để trải nghiệm và khám phá tham quan 360 độ. Những ứng dụng này giúp du khách có thể tương tác sống động như chọn vị trí, phóng to, thu nhỏ, xoay góc, quay 360 độ,... thưởng thức các clip có lời thuyết minh truyền cảm hoặc nhắn tin trực tuyến khi muốn tìm hiểu điểm đến kỹ hơn.

Theo ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, hình thức du lịch qua sự hỗ trợ của các ứng dụng công nghệ số đã xuất hiện trước đó song giờ phát triển mạnh mẽ hơn vì được cộng đồng quan tâm hơn bởi dịch bệnh. Khi thực hiện hình thức “Tham quan 360 độ” trên các ứng dụng số, du khách ở bất cứ đâu cũng vẫn có thể thưởng ngoạn vẻ đẹp của các danh thắng của Việt Nam. Những trải nghiệm du lịch thực tế ảo như là nhịp cầu kết nối, “giữ chân” cũng như nuôi dưỡng tình yêu của du khách với mỗi điểm đến của Việt Nam và chờ đợi đại dịch qua sẽ nhanh chóng phục hồi.

Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, các hình thức trải nghiệm du lịch qua ứng dụng công nghệ số ở thời điểm giãn cách xã hội vì dịch bệnh là rất cần thiết. Qua đây, các đơn vị khẳng định thương hiệu, quảng bá hình ảnh, chuẩn bị đón đầu phục hồi ngành công nghiệp không khói này sau khi dịch bệnh bị đẩy lùi. “Tuy nhiên, để hình thức du lịch này đạt hiệu quả thì các đơn vị cần có sự đầu tư về nhân lực, nâng cao chất lượng trải nghiệm thực tế ảo thực sự sống động, hấp dẫn chứ không nên dừng lại chỉ là một kho tư liệu” – ông Vũ Thế Bình góp ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.