TPHCM: Doanh nghiệp bất động sản kiệt quệ, ngóng hỗ trợ

GD&TĐ - Chịu tác động dài hơi và toàn diện của dịch Covid-19 suốt 4 tháng qua, nhiều doanh nghiệp (DN) môi giới, kinh doanh bất động sản đang rơi vào thế kiệt quệ vì không có doanh thu.

Do ảnh hưởng của dịch, nhiều dự án phải dừng thi công thời gian dài gây ảnh hưởng rất lớn đến DN.
Do ảnh hưởng của dịch, nhiều dự án phải dừng thi công thời gian dài gây ảnh hưởng rất lớn đến DN.

Các đơn vị đang ngóng từng ngày các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

80% đơn vị không có thu do dịch Covid-19

Thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho thấy, ảnh hưởng của Covid-19 đến DN môi giới bất động sản vô cùng lớn khi có tới 28% đơn vị có nguy cơ giải thể, phá sản; 32% đơn vị đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, rất cần sự hỗ trợ của chính sách vĩ mô, cộng đồng; khoảng 40% DN còn khả năng chống đỡ, nhưng sẽ không còn trụ được lâu.

Không chỉ mất doanh thu, các DN môi giới và kinh doanh bất động sản đang vô cùng khó khăn vì không thuộc đối tượng được miễn giảm lãi suất, ân hạn nợ từ các ngân hàng thương mại. Đặc biệt, chính sách vay với lãi suất ưu đãi mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn gần như không tiệm cận được các DN trong lĩnh vực này.

Thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam về sức khỏe của các DN kinh doanh bất động sản trong quý III cũng cho thấy, tình hình ảm đạm không kém khi có đến 70% DN không có doanh thu, tạm ngừng hoạt động; 10% DN có doanh thu rất ít (chỉ đạt khoảng 10% kế hoạch năm) buộc phải điều chỉnh, cắt giảm lương, đang đứng trước nguy cơ rơi vào tình trạng phá sản rất cao; 20% DN còn lại vẫn duy trì được doanh thu, nhưng nếu dịch bệnh kéo dài cũng sẽ không tránh khỏi việc tạm dừng hoạt động.

DN của ông Trần Trung T. (một tập đoàn bất động sản lớn tại TPHCM) chịu ảnh hưởng rất nặng nề từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 khi vừa phải “đóng băng” dự án do không được thi công, chi phí mặt bằng, nhân sự hàng tháng phải chi vẫn không giảm bao nhiêu, cộng thêm việc các chính sách giảm lãi vay, giãn nợ, vay lãi suất ưu đãi không được tiếp cận…

“Không chỉ là việc chậm bàn giao dự án, chịu phạt với khách hàng, các kế hoạch kinh doanh của quý IV hiện vẫn chưa thể xác định bao giờ mới có thể khởi động khiến DN thật sự lo lắng. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ hiện gần như chưa khỏa lấp được phần nào những thiệt hại mà dịch Covid-19 gây ra khiến chúng tôi đang khá khó khăn”, ông T. chia sẻ.

Nhìn nhận những khó khăn mà DN môi giới, kinh doanh bất động sản đang đối mặt, ông Lê Hoàng Châu - Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - cho rằng, việc cấp bách mà NHNN cần hỗ trợ tháo khó cho các DN bất động sản là dòng tiền.

Bởi theo ông Châu, hiện phần lớn DN bất động sản đang bị thiếu hụt dòng tiền, việc thiếu hụt dòng tài chính cũng như việc người bệnh Covid-19 thiếu oxy, rất dễ dẫn đến hệ quả DN bị “ngộp thở” bất cứ lúc nào vì không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ, không còn tiền để duy trì bộ máy và hỗ trợ, giữ chân người lao động…

Cần chính sách hỗ trợ sát sườn

Trước bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/2021/NQ-CP về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Ngay sau đó, NHNN cũng đã triển khai ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN, quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy vậy, điều khiến nhiều DN môi giới, kinh doanh bất động sản cảm thấy bất bình vì bị loại khỏi đối tượng được vay ưu đãi để tái cơ cấu DN.

Ông Từ Nguyên Hưng - Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng và môi giới bất động sản Hưng Vượng Land, TP Thủ Đức - nhìn nhận: Thời gian qua, những quyết sách từ Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ DN rất kịp thời, đã mang lại niềm tin rất lớn cho DN về việc phục hồi sau dịch như chính sách cắt giảm 30% thuế thu nhập DN (TNDN) cho DN doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm;

Kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ 1/1/2021 tới năm 2025; Giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế TNDN, tiền thuê đất, nới lỏng tín dụng của hệ thống ngân hàng. Tuy vậy, theo ông Hưng việc hỗ trợ miễn giảm, tái cơ cấu nợ thôi chưa đủ mà cần phải có thêm chính sách vay ưu đãi nhằm giúp DN phục hồi.

Đồng ý với kiến nghị trên, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng Giám đốc Đại Phúc Land - đánh giá: Đợt dịch Covid-19 lần này sẽ có ít nhất khoảng 30% DN bất động sản không trụ nổi. Với tình hình khó khăn rất lớn như vậy, cấp thiết cần sự lắng nghe và các giải pháp trợ lực kịp thời từ Chính phủ để DN vượt qua giai đoạn căng thẳng, hy vọng vào quá trình phục hồi nhanh chóng, hiệu quả hơn sau đại dịch.

“Việc các ngân hàng thương mại đang phân biệt, đối xử với khách hàng như chúng tôi là không công bằng. Bởi ai vay thì cũng phải trả lãi sòng phẳng. Chưa kể việc DN bất động sản đóng góp không nhỏ vào hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng. Vì vậy, chúng tôi vẫn rất ngóng trông các chính sách mới, sự điều chỉnh chính sách hỗ trợ DN từ Chính phủ” – bà Hương chia sẻ.

Ở góc độ vĩ mô, để giúp DN môi giới và kinh doanh bất động sản sớm tiếp cận các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, HoREA đã có văn bản đề nghị NHNN cho phép các ngân hàng thương mại trên địa bàn được chủ động xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng, bao gồm cả DN bất động sản, hộ gia đình, cá nhân và được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến 30/6/2022;

Đề nghị Bộ Xây dựng, các bộ, ngành liên quan quan tâm xem xét, trình Chính phủ điều chỉnh chính sách vĩ mô để kịp thời bổ sung nhóm ngành bất động sản trong đó có lĩnh vực dịch vụ môi giới bất động sản được hưởng đầy đủ chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhằm giúp DN vượt qua khó khăn bởi dịch Covid-19.

Đặc biệt, theo HoREA, NHNN cần có khuyến nghị các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi cho vay khoảng 2%/năm cho các khách hàng là DN bất động sản, cũng như dành một nguồn lực nhất định cho các DN này vay với lãi suất ưu đãi đã phục hồi đơn vị; Giảm 50% thuế thu nhập cho DN cho DN môi giới BĐS phát sinh giao dịch từ tháng 5 đến hết năm 2021 tạo điều kiện sớm phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.