TPHCM đề xuất tiếp tục triển khai chương trình sữa học đường trong năm 2021

GD&TĐ - Sở Y tế TPHCM vừa có tờ trình gửi UBND TP về đề xuất việc tiếp tục triển khai chương trình sữa học đường cho học sinh mẫu giáo và học sinh tiểu học năm 2021.

Học sinh tại TP.HCM tham gia chương trình sữa học đường. Ảnh minh họa
Học sinh tại TP.HCM tham gia chương trình sữa học đường. Ảnh minh họa

Cụ thể, đề xuất thời gian thực hiện tiếp chương trình sữa học đường trong năm 2021, với thời gian tổ chức uống sữa thực tế gồm học kỳ 2 năm học 2020-2021 và học kỳ 1 năm học 2021-2022 cho đến hết tháng 12/2021.

Đối tượng thụ hưởng trong giai đoạn này là trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5) học tại các cơ sở công lập, ngoài công lập và trẻ em học tại lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn TP.

Trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập đang học tại các trường học tham gia đề án chương trình sữa học đường.

Theo đó, mỗi trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống 1 hộp sữa dung tích 180ml/lần/ngày, với 5 lần/tuần trong thời gian của năm học.

Về kinh phí, căn cứ vào số liệu học sinh dự kiến của Sở GD-ĐT với định mức như trên và ước tính đơn giá 1 hộp sữa là 6.050 đồng, Sở Y tế cũng đưa ra con số dự trù kinh phí hỗ trợ mua sữa thực hiện chương trình:

Triển khai uống sữa học kỳ 2 năm học 2020-2021 cho đối tượng trẻ mẫu giáo và lớp 1 của toàn TP gồm: dự trù kinh phí hỗ trợ của ngân sách nhà nước là hơn 42 tỷ đồng, hỗ trợ từ doanh nghiệp cung cấp sữa là hơn 28 tỷ đồng.

Nếu học kỳ 1 năm học 2021—2022, triển khai cho trẻ mẫu giáo và tiểu học (từ lớp 1-5) của toàn TP, dự trù kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là gần 208 tỷ đồng, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ khoảng 139 tỷ đồng.

Theo dự thảo tờ trình của Sở Y tế, mức hỗ trợ đối với trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học tại các trường công lập và trẻ mẫu giáo học tại các lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn TP giam gia đề án Sữa học đường gồm: ngân sách TP hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20% và phụ huynh học sinh đóng góp 50%.

Đối với trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập đang học tại các trường tham gia đề án sữa học đường,  ngân sách TP hỗ trợ 50%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50%.

Trước đó, chương trình sữa học đường tại TPHCM được thực hiện thí điểm giai đoạn 1 trong năm học 2019-2020. Từ tháng 11-2020, chương trình mở rộng phạm vi ra 24 quận huyện với khoảng 3.600 trường mầm non và tiểu học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.