Theo đó, từ ngày 27 đến 29/5/2020 cùng UBND các quận 1, 3, 4, 5, 10 và Bình Thạnh, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố khảo sát việc quản lý, chăm sóc cây xanh trong khuôn viên 21 trường từ mầm non đến THPT.
Hơn 430 cây được kiểm tra là các loại cây cho bóng mát như phượng, bàng, bằng lăng, sọ khỉ, bò cạp nước, lim xẹt, dầu, me tây...
Theo Sở Xây dựng, cây xanh trong khuôn viên trường do các trường tự quản lý, chăm sóc. Đa số các trường thực hiện công tác cắt tỉa cây xanh khoảng 1 lần/năm. Tuy nhiên, các cây xanh được cắt tỉa chưa đúng kỹ thuật.
Đa số các cây được trồng trong các bồn xây cao (bồn cao khoảng 30cm - 60cm), thường được sử dụng làm chỗ ngồi cho các em học sinh. Một số cây trong bồn gốc cây cao có hệ rễ sẽ bị bó trong bồn, rễ khó mọc lan ra bên ngoài.
Một số cây xanh có vị trí không thuận lợi, không gian sống bị thu hẹp. Một số trường hợp cây xanh tiềm ẩn nguy cơ rủi ro gãy cành nhánh, ngã đổ cần cắt tỉa, đốn hạ đã được Sở Xây dựng đề xuất các biện pháp xử lý hiện tại, lâu dài.
Ví dụ như ở Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đề xuất cần đốn hạ cây nhạc ngựa bị cắt cụt ngọn, cây đang suy yếu và trồng thay thế cây khác.
Tại Trường THPT Nguyễn Du, qua khảo sát, Sở Xây dựng đề xuất cần đốn 1 cây phượng loại 3 trong sân trường có dấu hiệu mục thân, đồng thời kết hợp cắt tỉa cây xanh nặng tán trong khuôn viên trường...
Tại Trường THCS Trần Văn Ơn cây phượng trước trường (gần bãi đổ xe) do thân cây có đường kính> 50cm, nghiêng ra đường, rễ nổi, nặng tán có dấu hiệu tiềm ần rủi ro cao, cần sớm đốn hạ để đảm bảo an toàn. Ngoài ra cần cắt tỉa các cây me tây, các cây phượng trong sân trường.
Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm đề xuất đốn hạ 4 cây phượng, cây vú sữa; tỉa các cây si, sộp, gõ mật. Khi trồng thay thế cây phượng bị đốn hạ có thể chọn lộc vừng, bằng lăng (cần điều chỉnh vị trí trồng mới cho phù hợp).
Trường Tiểu học Hồng Hà, đa số cây xanh bị nặng tán, cây phượng bị rễ nổi, bọng thân...
Qua khảo sát, để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão và phục vụ công tác quản lý về lâu dài, Sở Xây dựng đề nghị UBND quận huyện và Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố rà soát cây xanh ở nơi công cộng, cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện.
Trong đó, lưu ý, các cây bị sâu bệnh, sam, mục thân, rễ cây bị bó trong bồn, bị cắt rễ, khi thực hiện cải tạo sân trường, làm lại bồn gốc cây... phải hợp đồng với đơn vị có chuyên môn, năng lực chăm sóc cây xanh để khảo sát cắt tỉa, đốn hạ kịp thời.
Theo dõi, kiểm tra kỹ các cây phượng có kích thước lớn, cây bị sâu bệnh, cây được trồng lâu năm (khoảng trên 20 năm), cây trồng trong các bồn xây cao; theo dõi cây bàng (thường bị sâu róm, gây ngứa nếu học sinh chạm vào); phải đảm bảo các cây cao lớn được kiểm tra thường xuyên, cắt tỉa tán cây và lấy nhánh khô kịp thời.
Nếu buộc phải đốn hạ ngay các cây nguy hiểm, nên trồng cây thay thế để hạn chế ảnh hưởng đến bóng mát, cảnh quan của trường học. Không nên trồng mới các loài cây thuộc danh mục cấm trồng trên đường phố thuộc địa bàn TP.
Về việc trồng bổ sung hoặc thay thế cây xanh đã đốn hạ: Cần nghiên cứu kỹ đặc tính của chủng loại cây trồng phù hợp với điều kiện, vị trí dự kiến trồng cây để cây xanh phát triển đạt hiệu quả về mặt cảnh quan, phát triển lâu dài và đảm bảo an toàn.
Đối với các cây trồng mới và tùy vào điều kiện của từng trường, nên xây bồn gốc cây rộng và độ cao bồn không nên quá 20cm hoặc có thể hạ thấp bằng mặt đất.
Các tổ chức, cá nhân có cây xanh trong khuôn viên cần hợp đồng với các đơn vị chuyên ngành, có năng lực, kinh nghiệm để chăm sóc, cắt tỉa cây xanh đảm bảo an toàn và sự sinh trưởng, phát triển của cây về lâu dài.
Qua khảo sát nhiều trường đưa ra kiến nghị, do chi phí để chăm sóc, cắt tỉa các cây xanh lớn nên khó khăn trong việc cân đối kinh phí khoán của trường. Ngoài ra, trường không có chuyên môn nên công tác kiểm tra, chăm sóc, phát hiện nguy cơ còn hạn chế. Kiến nghị Phòng quản lý đô thị quận hỗ trợ về chuyên môn về quy trình đốn hạ cây, cắt tỉa... đúng kỹ thuật.