Chú trọng các khâu
Thầy Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú) cho hay: Để bảo đảm bữa ăn bán trú cũng như nội trú cho học sinh, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn đặt lên hàng đầu. Việc lựa chọn các thực phẩm đầu vào được nhà trường đặc biệt quan tâm. Theo đó, trường ký hợp đồng với công ty cung cấp thực phẩm uy tín trên thị trường.
Khâu tiếp phẩm, sơ chế, chế biến cũng luôn được nhà trường chú ý. Theo đó, nhân viên phục vụ bếp ăn phải nắm vững kiến thức về an toàn thực phẩm, đồng thời biết cách lựa chọn thực phẩm, nguyên lý bếp một chiều, chế độ lưu mẫu thức ăn… Đội ngũ này được trang bị đầy đủ khẩu trang, găng tay trong quá trình chế biến và chia thức ăn… Nhà bếp cũng thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ, theo quy định của ngành về bếp ăn bán trú trường học.
“Bên cạnh thực hiện an toàn thực phẩm, việc tính toán định lượng bữa ăn cho học sinh cũng cần thiết. Mỗi khẩu phần ăn được tính toán chất xơ, đạm, tinh bột ra sao để phù hợp với các em học sinh, thầy Hiếu nói.
Tại Trường THCS Minh Đức (Quận 1), trước khi vào đầu năm học mới, ngoài rà soát về cơ sở vật chất nói chung, bếp ăn bán trú của trường cũng được mua sắm thêm một số vật dụng. Trường phục vụ xấp xỉ 1.200 suất ăn bán trú cho học sinh nên đội ngũ cấp dưỡng, bảo mẫu khoảng 25 người.
“Hàng ngày, từ 5 giờ 30 phút, khoảng 6 nhân viên làm công đoạn tiếp phẩm có mặt để nhận thực phẩm theo thực đơn của ngày. Sau đó sẽ phân loại, sơ chế và bắt đầu khâu chế biến để phục vụ bữa ăn trưa cho học sinh. Thực đơn từng ngày được nhà trường lên danh sách đa dạng, phong phú các món gồm mặn, xào, canh, tráng miệng và công khai để phụ huynh, học sinh biết”, cô Trần Thuý An, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức cho biết.
Ngoài việc bảo đảm chất lượng bữa ăn, thông qua bữa ăn bán trú, trường còn giúp học sinh rèn kỹ năng phục vụ bản thân, hình thành thói quen xếp hàng, tiết kiệm và biết phụ giúp các cô bảo mẫu trong quá trình chuẩn bị bữa ăn…
Phụ huynh giám sát chất lượng
Thực đơn được công khai trên website nhà trường để phụ huynh nắm, sẵn sàng đón đại diện phụ huynh tham quan, tham gia và giám sát bữa ăn của học sinh là việc được các trường tại TPHCM duy trì thực hiện nhiều năm nay.
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1), thực đơn theo tuần của học sinh được lựa chọn và công khai trên trang web của trường. Thực đơn được xây dựng dựa trên bộ thực đơn cân bằng dinh dưỡng do Công ty
Ajinomoto cung cấp với sự tư vấn về dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng quốc gia, bao gồm 360 món ăn ngon miệng, cân bằng dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi, vùng miền.
Bên cạnh đó, nhằm công khai chất lượng bữa ăn, trường cũng sẵn sàng cho phụ huynh tham gia bữa ăn cùng các con thông qua việc đăng ký suất ăn cho nhà bếp.
Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức), thầy Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng nhà trường thông tin: Nhà trường phục vụ khoảng 1.200 suất ăn bán trú cho học sinh. Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu thông qua việc thành lập ban an toàn vệ sinh thực phẩm, ban giám sát, quản lý công tác bán trú để phối hợp thực hiện. Đồng thời, Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng tham gia giám sát đột xuất bữa ăn của con em về thực đơn, dinh dưỡng…
Không có bếp ăn bán trú, Trường Tiểu học Cửu Long (quận Bình Thạnh) ký hợp đồng với đối tác cung cấp suất ăn công nghiệp. Trước khi ký hợp đồng, Ban giám hiệu cẩn thận tham quan thực tế tại cơ sở cung cấp, yêu cầu xuất trình các thủ tục pháp lý đúng quy định như giấy chứng nhận, giấy phép đăng ký kinh doanh hay giấy kiểm nghiệm. Khi ký kết hợp đồng, nhà trường ghi rõ các điều khoản cụ thể về cam kết chất lượng, an toàn thực phẩm, khẩu phần đủ dinh dưỡng cho trẻ ở độ tuổi tiểu học.