Cùng chăm chút từng bữa ăn
Nằm trong Ban đại diện Hội phụ huynh của Trường Tiểu học Núi Thành (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng), chị Võ Thị Thúy Vân tham gia vào bộ bận giám sát công tác tiếp phẩm, giám sát bữa ăn bán trú. Qua 2 năm tham gia công tác này, chị Thúy Vân nhận xét: “Nhà trường rất cởi mở trong việc phụ huynh tham gia giám sát bếp ăn bán trú.
Phụ huynh dù không nằm trong ban giám sát của Ban đại diện Hội phụ huynh vẫn có thể tiếp cận để kiểm tra các khâu có liên quan đến công tác bán trú như lưu mẫu thực phẩm, quá trình sơ chế, chế biến thức ăn, phân chia khẩu phần ăn... Ban giám hiệu sẵn sàng tiếp nhận mọi ý kiến đóng góp của phụ huynh như việc cân đối dinh dưỡng…”.
Như đợt nước sinh hoạt tại Đà Nẵng bị nhiễm bẩn vào cuối tháng 2/2019. Cô Thu Nguyệt cho biết, từ phản ảnh của đại diện phụ huynh trong Ban giám sát chất lượng bán trú về chất lượng nước nhiễm bẩn, nhà trường đã cho tổ cấp dưỡng vệ sinh toàn bộ bình nước ở các lớp, đường ống đấu nối nước dùng để uống cho HS và GV đã qua sục bóng đèn cũng được xịt nước với áp lực mạnh để làm sạch. Riêng tổ cấp dưỡng đã được lưu ý phải để nước lắng qua đêm trước khi dùng rửa thực phẩm và nấu nướng.
Mặc dù gần như các trường có tổ chức bán trú ở Đà Nẵng chưa xảy ra tình trạng ngộ độc tập thể nào, nhưng đã có không ít trường hợp chất lượng bữa ăn bán trú của HS quá sơ sài, đạm bạc, các món ăn thay đổi không giống như thực đơn nhà trường công khai… là từ những phát hiện của phụ huynh học sinh. Chính vì vậy, việc phụ huynh cử đại diện cùng tham gia giám sát với Ban an toàn thực phẩm của nhà trường, giám sát chất lượng bữa ăn cũng như thực đơn, giá cả là rất cần thiết.
Tuy nhiên, ý kiến của bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng GD&ĐT Hải Châu (TP Đà Nẵng) về vấn đề này cũng rất đáng lưu tâm: “Phụ huynh có thể đến trường vào giờ ăn của các cháu để giám sát chất lượng bữa ăn. Nhưng chúng ta cũng lưu ý đến thời điểm phụ huynh có mặt, ví dụ như khi HS gần kết thúc bữa ăn rồi mà lại chụp ảnh rồi cho rằng bữa ăn đạm bạc quá thì không mang tính xây dựng”.
Có nhiều ý kiến cho rằng, phụ huynh rất dè dặt trong việc tham gia kiểm soát chất lượng bữa ăn bán trú tại các trường học vì rất nhiều nguyên nhân: Không sắp xếp được thời gian, tâm lý ngại va chạm... Thế nhưng, chị Võ Thị Thúy Vân cho rằng, đó là quyền lợi chính đáng của phụ huynh và cũng vì là vì bảo đảm sức khỏe cũng như sự phát triển về thể chất cho HS. “Hơn nữa, phụ huyh cũng có thể luân phiên nhau để tham gia giám sát nên không quá khó trong việc sắp xếp, bố trí thời gian” – chị Vân khẳng định.
Chính vì vậy, một phụ huynh cho biết, khi chọn trường mầm non để gửi con, ngoài cơ sở vật chất, thì chị ưu tiên chọn trường nào mà chủ trường cởi mở, phụ huynh có thể thoải mái quan sát giờ ăn của bé, miễn sao không ảnh hưởng đến tâm lý của bé.
An toàn từ nhà bếp đến bàn ăn
Bà Đặng Thị Cẩm Tú – Trưởng phòng Mầm non, Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Qua công tác kiểm tra cho thấy một số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập thực hiện các khoản phí dịch vụ rất cao nhưng chất lượng không bảo đảm, chưa tuân thủ chế độ dinh dưỡng cho trẻ theo Thông tư 28 của Bộ GD&ĐT, có trang bị phần mềm kiểm tra dưỡng chất bữa ăn bán trú cho trẻ nhưng không sử dụng.
Chất lượng các bữa ăn trong ngày chưa tương xứng với số tiền mà phụ huynh đóng góp. Nhưng cũng có những cơ sở tự xây dựng quá chế độ ăn nhiều bữa trong ngày, tạo áp lực cho GV dẫn đến cường độ lao động quá cao”.
Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã yêu cầu các trường có tổ chức bán trú đều phải có bản ký kết hợp đồng cung ứng thực phẩm giữa doanh nghiệp với nhà trường, thực hiện nghiêm quy định sử dụng nguyên liệu thực phẩm. Ngay như các trường ở vùng miền núi của huyện Hòa Vang thì thực phẩm cũng được cung ứng qua các công ty chứ không mua từ các chợ.
Các loại thực phẩm, hàng hóa cung ứng cho các đơn vị trường học phải có bao bì, nhãn mác quy định hạn sử dụng, cung ứng thực phẩm gia súc, gia cầm phải có giấy kiểm dịch. Ngành GD cũng đã phối hợp với các bên liên quan tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý, nhân viên chế biến tại các cơ sở giáo dục có bếp ăn bán trú, tổ chức hội thi bếp ăn tập thể trường học an toàn…
Hiện nay, ở Đà Nẵng, UBND quận, huyện ban hành mức khung về thu tiền ăn bán trú, trên cơ sở đó, các trường và phụ huynh thỏa thuận nhưng không được vượt mức khung này. Mức thu cũng tùy thuộc vào từng trường và điều kiện kinh tế từng nơi. Ở một số trường mầm non, các cô cấp dưỡng tự làm một số món ăn đơn giản như sữa chua, sữa đậu nành, kem… ngoài ra còn có thêm rau củ được trồng ở vườn trường để bảo đảm chất lượng bữa ăn trong khuôn khổ số tiền thu được.
Dù thực phẩm tự chế biến hay tiếp nhận từ công ty cung ứng thì các trường học luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm, bảo đảm khâu an toàn vệ sinh thực phẩm và dinh dưỡng. Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ đối với trẻ ở độ tuổi mầm non và tiểu học. Chính vì vậy, rất nhiều trường học ở Đà Nẵng, Ban giám hiệu đã có yêu cầu rất rõ ràng với công ty cung ứng thực phẩm như thịt phải nguyên miếng, không nhận thịt vụn hoặc xay sẵn, khoai tây mọc mầm sẽ bị trả lại, rau củ dập cũng sẽ bị đổi trả.