TP.HCM: Cần giải pháp đồng bộ để hút HS đến với xe buýt

GD&TĐ - Mặc dù, TP.HCM đã chi hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách trợ giá vé cho học sinh (HS) đến trường bằng xe buýt, nhưng đến nay số lượng HS lựa chọn tham gia phương tiện giao thông công cộng vẫn theo đà sụt giảm .

Học sinh TP.HCM chọn đi xe buýt đến trường còn hạn chế
Học sinh TP.HCM chọn đi xe buýt đến trường còn hạn chế

Phần lớn HS ngoại thành đi xe buýt đến trường

Thời gian qua, TPHCM cũng đã có nhiều nỗ lực thu hút HS đi học bằng xe buýt. Cụ thể hiện nay, học sinh tại TPHCM đi lại bằng xe buýt có 2 phương thức: Đi lại trên 94 tuyến xe buýt có trợ giá với giá vé 2.000 đồng/lượt, HS có chiều cao từ 1,3m trở xuống thì được miễn vé xe buýt. Loại hình thứ 2 là xe buýt chuyên đưa rước HS đến tận nhà, Nhà nước trợ giá 2.830 đồng lượt/HS (riêng Cần Giờ được trợ giá 3.537 đồng lượt HS), còn lại do phụ huynh HS đóng góp.

Số liệu thống kê từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (TTQLGTCC) thuộc Sở GTVT TPHCM cho thấy, đã có 106 trường và gần 30.000 HS đăng ký đi xe buýt hàng ngày (số liệu trong năm học 2018-2019). Tuy nhiên mới chỉ có 10/24 quận huyện có trường học tham gia đưa rước HS bằng xe buýt. Cũng không quá khó hiểu khi số lượng trường học tham gia đưa rước học sinh bằng xe buýt tập trung nhiều hơn tại khu vực ngoại thành thuộc quận 9 và các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè... Huyện Củ Chi dẫn đầu về số lượng trường tham gia đưa rước HS bằng xe buýt, với 34 trường. Đứng kế là huyện Cần Giờ với 32 trường và huyện Bình Chánh với 9 trường. 

Ở chiều ngược lại, nếu như năm học 2018-2019 chỉ có quận 1 và quận 4 không có trường nào tham gia đưa rước HS bằng xe buýt, quận 3 và quận 5 có số trường tham gia chỉ đếm trên đầu ngón tay thì sang năm học 2019-2020, toàn bộ các quận khu vực nội thành đều không có trường tham gia. Có vẻ như các trường học ở nội thành và trung tâm thành phố chưa mặn mà lắm với việc tổ chức xe buýt đưa rước HS đi học, trong khi khu vực vùng ven thành phố và ngoại thành có lượng HS tham gia đưa rước đông. Nguyên do là hầu hết gia đình sống ở khu vực này điều kiện kinh tế còn khó khăn, HS không có phương tiện đi lại hoặc phụ huynh không có điều kiện đưa rước...

Theo một số chuyên gia giao thông, mặc dù được TPHCM trợ giá số tiền rất lớn nhưng nhiều năm qua, lượng HS sử dụng xe buýt đưa rước liên tục sụt giảm. Trong khi đó, các trường tư, trường công sử dụng xe đưa rước tư nhân không có trợ giá, tự cân đối nguồn thu-chi thì lại rất hiệu quả. Thậm chí nhiều trường quốc tế, dù giá xe đưa rước cao hơn xe buýt rất nhiều nhưng phụ huynh HS vẫn chấp nhận. Đây được coi là bài học và cũng là mô hình mà những người quản lý dịch vụ đưa rước HS bằng xe buýt cần xem xét, học tập nếu thực sự muốn thu hút HS đến với loại hình vận tải này...

Cần giải pháp đồng bộ để hút HS đến với xe buýt

Với mong muốn thu hút sự tham gia chương trình đưa rước HS bằng xe buýt hợp đồng từ các trường học và đối tượng HS, TTQLGTCC đã tìm kiếm nhiều phương cách để nâng cao tiện ích, tiện nghi phục vụ. Có thể nói, việc phối hợp với đơn vị khác để thực hiện các dự án tăng cường công tác an toàn giao thông và thuận lợi cho hành khách tiếp cận xe buýt khu vực trường học, như là một điển hình.

Tại khu vực Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (quận 3), một nhà chờ xe buýt đã được lắp đặt trên đường Lê Quý Đôn với sự tài trợ của Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco). Nhà chờ này có bảng thông tin điện tử và camera quan sát, có lan can an toàn dọc theo vỉa hè đường Võ Văn Tần, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai, tức là dọc theo các con đường bao quanh khu vực trường...

Nhằm đảm bảo ổn định tình hình đưa rước học sinh trên địa bàn TPHCM sau thời gian nghỉ phòng dịch Covid-19, TTQLGTCC TP.HCM phối hợp cùng các đơn vị có liên quan thực hiện một số nội dung: Yêu cầu doanh nghiệp vận tải chuẩn bị tốt về số lượng phương tiện đưa rước, nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu của học sinh tham gia. Doanh nghiệp vận tải làm việc cùng nhà trường về thời khóa biểu thực tế để đảm bảo thời gian đưa rước học sinh đến trường. 

Thời gian đầu sau khi đi học lại, TTQLGTCC TP.HCM yêu cầu các doanh nghiệp vận tải tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng tránh dịch, như vệ sinh phương tiện thường xuyên, hỗ trợ nhắc nhở học sinh các phương thức tự bảo vệ bản thân… nhằm đảm bảo an toàn tốt nhất cho học sinh đến khi Nhà nước thông báo hết dịch.
TTQLGTCC TP.HCM tiếp tục phối hợp cùng nhà trường trong công tác quản lý học sinh tham gia đưa rước, nhằm kịp thời giải quyết các vấn đề bất cập về phương tiện và dịch vụ, đặc biệt là trong giai đoạn ổn định tình hình đưa rước hiện nay.

Tại khu vực Trường THCS Minh Đức (quận 1) cũng lắp đặt một nhà chờ xe buýt với mẫu thiết kế hiện đại, bao gồm xây dựng lối lên xuống phục vụ người khuyết tật, kẻ vạch dừng xe buýt, lắp đặt camera giám sát và bảng thông tin điện tử, thay thế mới gạch vỉa hè ở khu vực trước trường, lắp đặt lan can bảo vệ sát mép bó vỉa... 

Ông Lê Hoàn - Phó Giám đốc TTQLGTCC TP.HCM cho biết, nguyên nhân khiến số lượng HS đi xe buýt đưa rước giảm nhìn từ phía nhà trường là tâm lý e ngại trong việc xác nhận số HS đi xe đưa rước hằng ngày; từ phía doanh nghiệp vận tải là phần lớn xe đưa rước HS đã sử dụng trên 10 năm nên chất lượng xe giảm sút. Để thu hút HS đi xe đưa rước, trước hết cần thay thế và đưa vào hoạt động khoảng 1.000 xe buýt mới loại 20 chỗ ngồi, vì xe loại 12 chỗ ngồi không phù hợp, xuống cấp.

Ngoài ra, cần tăng số lượt học sinh có trợ giá từ 2 lượt lên 4 lượt/ngày để đáp ứng nhu cầu thực tế. Thời gian tới, Trung tâm sẽ đề nghị cơ quan chức năng thành phố cho phép tận dụng mặt bằng trống phù hợp làm điểm dừng, đón và trả HS, tạo thuận lợi cho hoạt động.

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, Sở sẽ tham mưu UBND thành phố xây dựng lại mức trợ giá theo hai phương án là trợ giá theo tuyến cố định và trợ giá theo quản lý HS thông qua thẻ thông minh. Đặc biệt, thành phố sẽ nghiên cứu thí điểm đưa xe điện và taxi hỗ trợ vận chuyển HS vào một số khung giờ cố định để đa dạng hóa vận tải công cộng...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô và trò Trường Tiểu học Triệu Ái thành kính dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Đ. Đức

Tháng 5 nhớ Bác...

GD&TĐ - Nhiều năm qua, Đền thờ Bác Hồ ở thôn Hà Xá (Quảng Trị) trở thành nơi tham quan, học tập của học sinh nhằm tưởng nhớ Người...
Minh họa/INT

Cảm ơn thầy đã 'thắp lửa'!

GD&TĐ - Lá thư này, em gói ghém tình cảm, kỉ niệm, niềm vui thầy trò trong năm học lớp 12 tuyệt vời, dành tặng thầy.
Ăn uống ngoài vỉa hè rất phổ biến ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng.

Ghi ở vỉa hè Hà Nội

GD&TĐ - Tối nay, tại quán phở yêu thích ở phố Quang Trung, lần đầu tiên tôi được đến gần những thực khách đến mức gần như có thể cảm nhận được hơi thở của họ.
Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Chiếc đèn bàn

GD&TĐ - Lúc này, giấc mộng tan đi, ánh sáng và bóng tối của chiếc đèn bàn hội tụ. Quá khứ qua đi để lại nỗi đau dù là nhỏ nhất trong tâm hồn…