TPHCM cần gần 29 nghìn tỉ đồng để xử lý rác thải rắn

GD&TĐ - Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa có báo cáo gửi UBND TP về tiến độ triển khai đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn tại TPHCM từ năm 2020 - 2025, tầm nhìn năm 2050.

Công nhân nhà máy xử lý rác thải rắn đang phân loại rác tại nhà máy.
Công nhân nhà máy xử lý rác thải rắn đang phân loại rác tại nhà máy.

Được biết, đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn tại nguồn (trình Bộ Xây dựng thẩm định) sẽ là cơ sở cho TPHCM triển khai các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể về quản lý, xử lý các loại chất thải rắn trong 5 năm tới.

Theo đồ án mà Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM trình, tổng mức đầu tư cần là 28.911 tỉ đồng. Trong đó, 14.500 tỉ đồng là chi phí chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn (bao gồm chuyển đổi công nghệ 2 nhà máy hiện hữu và đầu tư xây dựng nhà máy mới với công suất 2.000 tấn/ngày); 3.300 tỉ đồng để xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung ở Tây Bắc, Đa Phước và Khu công nghệ môi trường xanh - Long An; 1.250 tỉ đồng để hoàn thiện cơ cấu các điểm trạm trung chuyển, tổ chức lực lượng thu gom…

Đồ án phấn đấu đến năm 2025 đạt các chỉ tiêu 80% hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn. 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý, trong đó tối thiểu 80% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu hồi, tái chế, làm phân compost và đốt thu hồi năng lượng. 100% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp nguy hại và không nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý. 

Đồ án cũng phấn đấu, 100% lượng chất thải rắn y tế không nguy hại và nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý. 90% tổng lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh được thu gom xử lý, trong đó 60% được thu hồi tái sử dụng hoặc tái chế.

100% bùn bể phốt, bùn thải của hệ thống cấp nước và thoát nước, bùn phát sinh từ các hệ thống xử lý nước thải sản xuất, bùn nạo vét kênh rạch được thu gom và xử lý bảo đảm vệ sinh môi trường.

Dự tính, kinh phí này sẽ được lấy từ nguồn vốn ngân sách, ODA, tín dụng đầu tư, tài trợ, doanh nghiệp, xã hội hóa. Trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồ án sẽ được UBND TPHCM trình Bộ Xây dựng thẩm định.

Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn khoảng 9.200 tấn/ngày, chủ yếu từ các khu vực dân cư, cơ quan, khách sạn, nhà hàng, cơ sở sản xuất, chợ… Tỉ lệ gia tăng chất thải rắn sinh hoạt hàng năm khoảng 5%.

Dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng lên đến 13 nghìn tấn/ngày. Trong khi đó, các nhà máy tái chế, xử lý rác hiện chưa đạt chỉ tiêu công nghệ, tỉ lệ tái chế đến năm 2020 chỉ đạt 40%, còn lại là chôn lấp, đốt tiêu hủy.

Ông Lê Trương Tuấn Anh - Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường nhìn nhận thách thức lớn nhất đối với TPHCM trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt là chủ yếu xử lý vẫn sử dụng phương pháp chôn lấp làm phát sinh mùi hôi và rác tồn đọng, không phân hủy.

Trong khi đó việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn của người dân vẫn chưa tốt nên TP thời gian tới cần nhiều nguồn lực để đầu tư, xây dựng nhà máy xử lý cũng như chuyển đổi công nghệ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ