TPHCM bàn thảo chiến lược phát triển giáo dục

GD&TĐ - TPHCM phấn đấu đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, 100% trường học trên địa bàn xây dựng theo mô hình trường học thông minh.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội thảo.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội thảo.

Mục tiêu cụ thể

Ngày 30/12, Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức Hội thảo góp ý cho chiến lược phát triển giáo dục TPHCM từ nay đến 2030, định hướng đến năm 2045.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, mục tiêu của dự thảo chiến lược phát triển giáo dục TPHCM từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng TP thành trung tâm GD&ĐT chất lượng cao của cả nước và khu vực châu Á.

Chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, ngành GD&ĐT phải đảm bảo cơ sở vật chất, trường lớp đạt chuẩn quốc gia (60% trường mầm non, 80% trường tiểu học, 70% trường THCS và 50% trường THPT).

Ông Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại hội thảo.

Ông Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại hội thảo.

Mỗi quận, huyện và TP Thủ Đức có ít nhất 2 trường ở mỗi bậc học mầm non, tiểu học, THCS, THPT thực hiện chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”. TP có ít nhất 10 trường THPT, THPT chuyên có điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, chất lượng dạy học đạt các tiêu chí trường chất lượng cao. 100% trường học trên địa bàn TP phấn đấu xây dựng theo mô hình trường học thông minh.

Bên cạnh đó, TPHCM đảm bảo sĩ số học sinh/lớp ở các bậc học từ 30 đến 35 học sinh/lớp. 100% trường tiểu học, 70% trường THCS học 2 buổi/ngày. Đồng thời có từ 80% trường THPT trở lên ở mỗi quận, huyện TP Thủ Đức dạy 2 buổi/ngày.

30% trường tiểu học, THCS, THPT đảm bảo đủ điều kiện tự chủ,100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng số từ cơ bản đến nâng cao.

100% giáo viên mầm non tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; 100% giáo viên tiểu học, THCS và giáo viên THPT có trình độ cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc tương đương trở lên.

80% học sinh THPT có thể thông thạo giao tiếp, học tập bằng ngoại ngữ (tương đương bậc khung 3 năng lực ngoại ngữ). 100% học sinh tốt nghiệp THPT có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, 50% học sinh có trình độ tin học đạt chuẩn quốc tế.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu tại hội thảo.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu tại hội thảo.

100% học sinh phổ thông biết chơi ít nhất 1 môn nghệ thuật/nhạc cụ và luyện tập ít nhất 1 môn thể thao. 100% cơ sở giáo dục kết nối với các cấp quản lý giáo dục, cơ sở dữ liệu quốc gia và địa phương. 100% học sinh được tiếp cận không gian học tập hiện đại trên nền tảng số.

Bên cạnh đó, TP xây dựng chính sách thu hút nhân tài, thu hút đội ngũ viên chức có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi vào làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Xác định rõ mục tiêu thực hiện

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết: “Đồng chí Bí thư thành ủy và Chủ tịch UBND TP luôn quan tâm đến ngành giáo dục đào tạo. Vì vậy cần phải tập trung thật sớm để xây dựng, hoàn thành chiến lược phát triển giáo dục của TP trong giai đoạn sắp tới để có thể xác định tầm nhìn cách thức quản lý xuyên suốt. Từ đó xác định thế mạnh các chương trình, làm sao đưa TPHCM không chỉ duy trì vai trò là đầu tàu của kinh tế, là trung tâm văn hóa giáo dục mà phải có vai trò tầm khu vực của quốc tế”.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, trong thời gian qua Sở GD&ĐT TP đã hoàn thiện dự thảo đầu tiên để gửi lấy ý kiến của các chuyên gia, của sở ngành, cơ sở giáo dục, qua 2 vòng. Đến hôm nay là lần đầu tiên tổ chức hội thảo góp ý chiến lược phát triển giáo dục TPHCM từ nay đến 2030, định hướng đến năm 2045 để lấy ý kiến, tìm đến sự đồng thuận, định hướng cho được sự phát triển của ngành giáo dục TP phải xuyên suốt từ mầm non cho đến sau đại học.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã thẳng thắn chia sẻ nhiều ý kiến trên tinh thần tất cả vì thành phố, tất cả vì nền giáo dục của TP.

Ông Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM phát biểu ý kiến tại hội thảo.
Ông Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM phát biểu ý kiến tại hội thảo.

Cũng tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, trong chiến lược phát triển giáo dục của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, Bộ là cơ quan được được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo và đã trình Thủ tướng. Chiến lược này được xây dựng dựa trên căn cứ là chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030 đã được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đồng ý với quan điểm cần xác định rõ hình ảnh, các yêu cầu về kỹ năng, phẩm chất của con người trong tương lai khi xây dựng chiến lược phát triển giáo dục. Dựa trên chiến lược phát triển chung của cả nước, TPHCM cần có thêm định hướng riêng, xác định rõ mục tiêu thực hiện, tránh vừa thiếu vừa thừa khi triển khai trong thực tế.

Đồng thời đề nghị thành phố đặt quyết tâm kéo giảm sĩ số học sinh/lớp, phấn đấu thực hiện 30 đến 35 học sinh/lớp để phát huy hiệu quả năng lực, phẩm chất người học cùng các phương pháp dạy học theo cá thể, dạy học tích cực. “Tất cả nhiệm vụ, giải pháp đều cần cụ thể, có lộ trình thực hiện, tính toán về nguồn lực để đảm bảo tính khả thi trong thực tế”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.