TPHCM: Bậc tiểu học không còn khái niệm chính khóa, ngoại khóa trong thời lượng 2 buổi/ngày

GD&TĐ -Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó GĐ Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, không còn khái niệm chính khóa, ngoại khóa trong thời lượng 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học.

Theo Sở GD&ĐT TPHCM, giáo dục STEM là một hoạt động thuộc chương trình nhà trường.
Theo Sở GD&ĐT TPHCM, giáo dục STEM là một hoạt động thuộc chương trình nhà trường.

Năm học 2024-2025, lần đầu tiên Chương trình GDPT 2018 được triển khai toàn bậc tiểu học. Nhiều khái niệm trước đó theo Chương trình GDPT 2006 đã không còn phù hợp, thay vào đó là nhiều nội dung mới, phụ huynh học sinh cần nắm để đảm bảo quyền lợi của học sinh, giúp các em phát triển toàn diện các phẩm chất, năng lực theo đúng mục tiêu Chương trình GDPT 2018 đặt ra.

Chương trình GDPT 2006 đã không còn phù hợp bối cảnh mới

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, theo quy định của Bộ GD&ĐT, khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 bậc tiểu học, 100% học sinh học 2 buổi/ngày, để được rèn luyện, phát triển phẩm chất, năng lực theo đúng mục tiêu mà chương trình đặt ra.

Do đó, đối với bậc tiểu học từ năm học 2024-2025, các trường tiểu học phải tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Khái niệm buổi 1, buổi 2, quan điểm buổi sáng là chương trình chính khóa, buổi chiều là chương trình ngoại khóa theo Chương trình GDPT 2006 trước đây đã không còn phù hợp bởi hiện nay quy định bắt buộc nhà trường phải dạy học 2 buổi/ngày.

“Khi trường tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cần tổ chức mỗi ngày không quá 7 tiết, thực hiện kế hoạch dạy học tối thiểu 9 buổi/tuần, với 32 tiết/tuần”, ông Nguyễn Bảo Quốc cho biết.

Trong đó, ngoài việc thực hiện đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục được Bộ GD&ĐT quy định trong Chương trình GDPT 2018, nhà trường được tổ chức thiết kế các nội dung, hoạt động giáo dục thuộc chương trình nhà trường để hỗ trợ tốt nhất cho chương trình giáo dục quốc gia cũng như hướng tới việc phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo mục tiêu mà Chương trình GDPT 2018 đặt ra, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục, giáo dục toàn diện học sinh.

Tại TPHCM, căn cứ theo Đề án dạy học ngoại ngữ, tin học của UBND thành phố và các công văn hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về giáo dục STEM, kỹ năng sống, giáo dục kỹ năng công dân số, chương trình nhà trường ở bậc tiểu học năm học 2024-2025 bao gồm: Tổ chức dạy học ngoại ngữ (gồm dạy học ngoại ngữ tăng cường, dạy giao tiếp với người nước ngoài; dạy học ngoại ngữ qua toán và khoa học); tổ chức giáo dục STEM; tổ chức rèn luyện kỹ năng sống và các loại hình hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; tổ chức hoạt động dạy học tin học tăng cường theo chuẩn quốc tế và giáo dục kỹ năng công dân số.

Truong-hoc-tang-cuong-trang-bi-ky-nang-sinh-ton-cho-hoc-sinh-2.JPG
Tiết học của học sinh Trường tiểu học Hà Huy Giáp (Quận 12, TPHCM).

Chương trình giáo dục sẽ không gò bó, khuôn mẫu

Theo chương trình GDPT 2018, ở mỗi trường tiểu học, chương trình nhà trường sẽ được thiết kế với đặc thù riêng khác nhau, không chỉ phù hợp với đặc thù của nhà trường về đội ngũ, cơ sở vật chất và đối tượng học sinh mà còn phù hợp với địa phương nơi nhà trường trú đóng. Đặc biệt là hướng tới tính mục tiêu theo định hướng phát triển của trường, hài hòa với mục tiêu chiến lược phát triển của ngành giáo dục thành phố.

Cũng theo ông Nguyễn Bảo Quốc, từ năm học 2024-2025, quy định ở bậc tiểu học dạy học 2 buổi/ngày. Chương trình nhà trường thuộc kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày, chính vì thế các trường tiểu học được chủ động xây dựng thời khóa biểu, có thể đưa các nội dung giáo dục thuộc chương trình nhà trường vào thời khóa biểu buổi sáng hoặc buổi chiều, tùy theo điều kiện đặc thù của trường, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh và thuận lợi nhất cho phụ huynh học sinh đưa đón.

Thời khóa biểu phải đảm bảo quy định về số tiết/ngày, không gây quá tải cho học sinh, giáo viên.

“Khi xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình nhà trường, hiệu trưởng nhà trường phải thông tin, công khai đầy đủ tới phụ huynh học sinh ngay từ đầu năm học; thông tin đến phụ huynh về mục tiêu của từng nội dung giáo dục thuộc chương trình nhà trường nhằm trang bị cho học sinh những kỹ năng gì, mục tiêu trước mắt là gì, mục tiêu dài hơi là gì, chất lượng cụ thể của chương trình ra sao…, để phụ huynh hiểu và đồng thuận. Khi phụ huynh có sự đồng thuận, nhà trường thiết kế thời khóa biểu khoa học, phù hợp”, ông Quốc nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ