TP Hồ Chí Minh giải tỏa tất cả chốt nội đô trước 1/10, người dân lưu thông bằng mã QR

GD&TĐ - Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian tới tất cả các chốt kiểm soát dịch Covid-19 nội đô sẽ giải tỏa, Công an thành phố duy trì 12 chốt chính và 39 chốt phụ giáp ranh các tỉnh, địa phương với TP Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong thời gian ứng dụng PC-Covid chưa chính thức đưa vào hoạt động, người dân TP Hồ Chí Minh khi tham gia lưu thông phải sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế HCM có thể hiện lịch sử tiêm vắc xin.

Trường hợp không có mã QR, xuất trình giấy tờ sau: (1) Là người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; (2) Đã tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 (ít nhất 1 mũi đối với loại vắc xin tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

Các cơ quan, đơn vị, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn Thành phố phải đăng ký mã QR tại địa chỉ htthành phố://antoan-covid.TP Hồ Chí Minh.gov.vn/.

Đến ngày 15/10, các cơ quan, đơn vị, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện quét mã QR (trên điện thoại di động thông minh hoặc được in trên giấy) của toàn bộ người đến liên hệ công tác, làm việc, giao dịch; sử dụng ứng dụng của Thành phố (hoặc ứng dụng PC-Covid) để kiểm soát và tổ chức hoạt động.

Phó giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh Nguyễn Sĩ Quang. Ảnh: Linh Nhi .

Phó giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh Nguyễn Sĩ Quang. Ảnh: Linh Nhi
.

Thông tin thêm về việc kiểm soát phương tiện đi lại, Phó giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh Nguyễn Sĩ Quang cho biết, thời gian tới tất cả các chốt nội đô sẽ giải tỏa, Công an thành phố duy trì 12 chốt chính và 39 chốt phụ giáp ranh các tỉnh, địa phương với TP Hồ Chí Minh.

Công an thành phố sẽ phối hợp với công an các địa phương tiếp tục kiểm tra phương tiện, người tham gia lưu thông bằng mã QR và các công cụ nhận diện của từng ngành, lĩnh vực.

UBND thành phố lưu ý, người dân không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác. Trường hợp cấp thiết cần đi lại liên tỉnh phải thực hiện theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải. Công an thành phố sẽ kiểm soát và xử lý nghiêm trường hợp người dân tự ý thông chốt.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Hòa Bình cho rằng, việc kiểm soát chặt là vì an toàn của người dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

“Mỗi tỉnh thành có độ phủ vắc xin khác nhau, việc hạn chế người dân đi lại giữa các tỉnh để đảm bảo sức khỏe của người dân. Do đó, nếu không có việc cần thiết thì người dân cần hạn chế tối đa việc di chuyển tới các chốt, việc này cũng là tạo điều kiện để ưu tiên cho phương tiện vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm, nhằm đảm bảo việc cung ứng hàng hóa và sản xuất kinh doanh”, ông Lê Hòa Bình nhấn mạnh.

Đối với người dân đi lại trong nội thành, việc kiểm soát thông qua tuần tra kiểm soát đột xuất trên đường, ngẫu nhiên 24/24h. Công an thành phố có thể thành lập một số chốt lưu động để kiểm tra và tổ chức cả test nhanh y tế.

“Trẻ em dưới 18 tuổi hiện đang học online, chưa có việc cần thiết không để các em ra đường, không tham gia lưu thông bằng xe máy. Trẻ em khi chưa tiêm vắc xin thì không để các em tự ý ra đường làm ảnh hưởng tới sức khỏe”, ông Lê Hòa Bình nói thêm.

Người nước ngoài khi nhập cảnh vào Thành phố tiến hành khai báo y tế tại cửa khẩu và sau đó sử dụng mã QR hoặc giấy tờ thay thế cho các hoạt động tại Thành phố.

Hoạt động vận tải hành khách đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn Thành phố phù hợp với cấp độ dịch bệnh của từng khu vực, địa phương, theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải. Phương tiện giao thông cá nhân chỉ được phép lưu thông trong phạm vi Thành phố.

Hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh (đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, đường hàng không) theo lộ trình phù hợp với kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải và quy định của Bộ Y tế.

Hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng xe mô tô có sử dụng công nghệ kết nối với hành khách (shipper) thực hiện theo hướng dẫn của Sở Công Thương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ