Chiều tối 11/6, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Họp báo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5, 5 tháng đầu năm 2021 và triển khai nhiệm vụ tháng 6 năm 2021. Tại cuộc họp, các vấn đề về công tác phòng dịch, điều kiện phòng dịch khi mở cửa chợ hoa Đầm Sen, quy định về diện tích tối thiểu xây nhà... là các vấn đề được các cơ quan báo chí quan tâm nhiều nhất.
Theo đó, liên quan đến câu hỏi của các phóng viên về công tác phòng dịch của TP Hồ Chí Minh, đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, công tác phòng dịch đang được TP Hồ Chí Minh triển khai quyết liệt, tâp trung truy vết, thực hiện cách ly nhanh chóng để ngăn chặn dịch bệnh. Hiện nay, các lực lượng tuyến đầu chống dịch tại TP Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”, phối hợp giữa phòng ngự và tấn công, tăng cường công tác khoanh vùng, truy vết. Trong đó, TP Hồ Chí Minh đảm bảo nguyên tắc an toàn trong phong tỏa, cách ly cho người dân.
Theo đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Thành phố đang ghi nhận 572 ca mắc COVID-19 sau 45 ngày đợt dịch thứ tư bùng phát. TP Hồ Chí Minh đang có trên 10.300 người cách ly tập trung, gần 17.700 trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Đối với quy định về các khu cách ly, hiện không có quy định cụ thể, mỗi khu vực cách ly sẽ có quy định riêng. Theo đó, việc quyết định gỡ bỏ phong tỏa, địa điểm cách ly dựa vào các các yếu tố nguy cơ, như thời điểm phát hiện ca nhiễm, mức độ tiếp xúc, lây lan trong khu vực...
“Khi quyết định gỡ bỏ phong tỏa tại một khu vực hay một tòa nhà, ngành y tế TP Hồ Chí Minh sẽ đặt sự an toàn của người dân và đảm bảo công tác phòng chống dịch lên hàng đầu, tuyệt đối không gỡ bỏ phong tỏa khi còn các yếu tố nguy cơ lây lan dịch bệnh”, đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh này cho biết thêm.
Với việc có nên cho F1 cách ly tại nhà theo gợi ý của Phó Thủ tướng Võ Đức Đam hay không, đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, ưu điểm của giải pháp này là người được cách ly có tâm lý thoải mái, có đầy đủ điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Tuy nhiên, nhược điểm là khó giám sát sự tuân thủ biện pháp cách ly của người dân. Hiện ngành y tế TP Hồ Chí Minh đang cân nhắc các biện pháp phù hợp để đảm bảo mục tiêu kiểm soát được sự lây nhiễm khi cách ly tại nhà, trong đó có thể sẽ ứng dụng một số công nghệ để kiểm soát sự tuân thủ của người cách ly tại nhà.
Chia sẻ thêm về công tác phòng dịch, theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Thành phố đang triển khai 2 loại test xét nghiệm (test nhanh kháng nguyên RDT và phương pháp RT-PCR) để đánh giá độ nghi nhiễm, mỗi loại xét nghiệm đều có ưu điểm riêng.
Mới đây, khi phát hiện ca nhiễm tại Công ty PouYuen Việt Nam, Sở Y tế đã áp dụng phương pháp test nhanh kháng nguyên để phát hiện nguy cơ về dịch tễ tại khu vực này.
Đối với vấn đề liên quan đến việc cho phép chợ hoa Đầm Sen hoạt động trong 3 ngày (từ 11/6 đến 13/6) để phục vụ hoa dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 âm lịch), ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, tình hình chung hiện nay là các mặt hàng nông sản ở các địa phương vào mùa thu hoạch đang bị ùn ứ, khó tiêu thụ.
Nguyên nhân, do ảnh hưởng của giãn cách xã hội tại TP Hồ Chí Minh, các hoạt động hội nghị, hội thảo, đám cưới… không được tổ chức và các nhu cầu về tiêu thụ mặt hàng hoa cũng giảm sút, trong khi đó TP Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ chính của mặt hàng hoa trồng tại Lâm Đồng. Chính điều này đang ảnh hưởng lớn tới việc tiêu thụ hoa của bà con tỉnh Lâm Đồng.
“Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản và duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ko bị đứt gãy, Sở Công thương đã phối hợp với tỉnh Lâm Đồng và các ngành liên quan phối hợp thực hiện việc lưu thông hàng hóa, cụ thể là quyết định mở cửa lại chợ hoa tươi Đầm Sen để hỗ trợ bà con Lâm Đồng. Ngoài ra, khi mở cửa hay hỗ trợ các tỉnh tiêu thụ nông sản, TP Hồ Chí Minh đều yêu cầu các đơn vị thực hiện các phương án đảm bảo công tác phòng chống dịch”, ông Nguyễn Nguyên Phương nói.
Chia sẻ thông tin về công tác phòng chống dịch tại các chợ truyền thống, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, Sở đã phân cấp quản lý cho quận, huyện, việc quản lý các chợ truyền thống do quận, huyện trực tiếp triển khai. Sở cũng đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thường xuyên công tác phòng dịch, khi phát hiện đơn vị nào vi phạm Sở kiên quyết xử lý.
Liên quan tới việc xây dựng căn hộ có diện tích tối thiểu 25m2 tại Thông tư 03 của Bộ Xây dựng, đại diện Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, thông tư quy định rõ đối với căn hộ diện tích nhỏ hơn 45m2 thì không được bố trí vượt quá 25% tổng số lượng nhà ở chung cư thuộc dự án căn hộ.
Trong quá trình quy hoạch, thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng, các cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét kỹ dựa trên quy mô dân số, từ đó phê quyệt diện tích của từng loại căn hộ, số lượng căn hộ để đảm bảo các công trình chung cư khi đầu tư xây dựng, vừa tuân thủ đúng quy chuẩn vừa đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của từng dự án.
Ngoài các nội dung trên, một số vấn đề liên quan sử dụng đất tại khu công nghệ cao, quy hoạch dự án Bình Quới - Thanh Đa… cũng được các cơ quan báo chí đưa ra với các sở, ngành TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do vấn đề cần có thời gian trả lời nên UBND TP Hồ Chí Minh hẹn trao đổi với các sở, ngành liên quan và có văn bản trả lời các cơ quan báo chí sau.