TP Hồ Chí Minh có nguy cơ kích hoạt chuỗi lây nhiễm Covid-19

GD&TĐ - Trong trường hợp dịch bùng phát tại khu công nghiệp với hàng nghìn ca nhiễm, cần phong tỏa và tạo điều kiện cách ly tại chỗ hoặc khu vực ký túc xá lân cận.

Mầm bệnh đã âm thầm lây lan trong cộng đồng tại TPHCM. Ảnh: HCDC.
Mầm bệnh đã âm thầm lây lan trong cộng đồng tại TPHCM. Ảnh: HCDC.

Ngoài ra, có thể lập các khu cách ly dã chiến để xét nghiệm, phân loại. Đồng thời, tổ chức xét nghiệm cho tất cả công nhân.

Liên tục phát hiện trường hợp mới không rõ nguồn lây

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), mỗi ngày, thành phố đều phát hiện những trường hợp mới thông qua sàng lọc không rõ nguồn lây. Điều này chứng tỏ, mầm bệnh vẫn đang âm thầm lây lan trong cộng đồng.

Hiện tại, có 7 doanh nghiệp trong khu công nghiệp tại TPHCM ghi nhận các ca mắc Covid-19. Tối ngày 17/6, TPHCM cũng ghi nhận 26 ca dương tính liên quan đến Công ty Cổ phần thực phẩm Trung Sơn - chi nhánh khu công nghiệp Tân Tạo (quận Tân Bình).

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, các khu công nghiệp ở TPHCM phải coi Bắc Giang là một bài học. Đồng thời, cần dựa vào tình hình cụ thể của từng khu công nghiệp để có kế hoạch đối phó.

Lý giải về tình trạng này, chuyên gia cho biết, khu công nghiệp là nơi tập trung đông người lao động. Nhiều nhà máy có mật độ lớn công nhân trong môi trường có điều hoà nhiệt độ. Họ giao tiếp gần nhau và virus SARS-CoV-2 dễ phát tán theo hiệu ứng dây chuyền.

Bên cạnh đó, khi tan ca, các công nhân sống ở ký túc xá hoặc nhà trọ với môi trường chật. Do vậy, một người mắc Covid-19 sẽ kích hoạt chuỗi lây nhiễm. Khi đó, các ca mắc sẽ tăng theo cấp số nhân.

“Virus SARS-CoV-2 theo chân các công nhân đi từ nhà máy này sang nhà máy khác, từ khu công nghiệp này sang khu công nghiệp khác. Các công nhân nhiễm bệnh không có triệu chứng sẽ đi chợ, đi chơi, về quê và bùng phát dịch ồ ạt khắp mọi địa phương, toàn quốc. Nếu chúng ta không kịp thời khống chế, dập dịch từ đầu, trong thời gian ngắn, số người nhiễm có thể lên hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu”, PGS Nga cảnh báo.

Trong trường hợp dịch bùng phát tại khu công nghiệp với hàng nghìn ca nhiễm và F1, cần phong tỏa và tạo điều kiện cách ly tại chỗ hoặc khu vực ký túc xá lân cận. Ngoài ra, theo chuyên gia này, có thể lập các khu cách ly dã chiến để xét nghiệm, phân loại. Đồng thời, tổ chức xét nghiệm cho tất cả.

“Những người âm tính nên cho cách ly riêng để tiếp tục xét nghiệm, phân loại. Những người dương tính nhưng không có triệu chứng được cách ly riêng để theo dõi. Những người có triệu chứng nặng và nguy cơ thở máy phải được tổ chức điều trị riêng trong bệnh viện dã chiến thiết lập tại chỗ.

Hoặc, chuyển đến bệnh viện của khu vực nếu số lượng không nhiều. Phải huy động cán bộ y tế và phương tiện để tập trung cứu chữa”, PGS Nga khuyến cáo.

Bố trí chỗ nghỉ trong nhà máy

Theo HCDC, các chuỗi mới được phát hiện chủ yếu lây nhiễm qua các tiếp xúc gần ở nơi cư trú, làm việc. Do đó, để đạt được hiệu quả kiểm soát dịch bệnh trong thời gian giãn cách xã hội, HCDC khuyến cáo, mọi người cần tuân thủ đúng các quy định về giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc trực tiếp không cần thiết. 
“Hãy xem người đối diện như một F0 để thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh theo thông điệp 5K của Bộ Y tế”, HCDC nhấn mạnh.

Để phòng tránh chuỗi lây nhiễm này, chuyên gia cho rằng, mỗi khu công nghiệp, nhà máy cần thành lập Ban chỉ đạo chống dịch. Đồng thời, xây dựng, ban hành kế hoạch chi tiết về kế hoạch đáp ứng với Covid-19.

Bên cạnh đó, tất cả người lao động phải được huấn luyện an toàn trong phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm các biện pháp 5K, khai báo y tế đầy đủ. Người lao động cần hạn chế tối đa tiếp xúc với bên ngoài.

Phải kiểm tra nhiệt độ công nhân hằng ngày, hỏi thăm tình hình sức khỏe từng người. Nhờ đó, kịp thời cách ly người có triệu chứng nghi ngờ.

Ngoài ra, PGS Nga gợi ý, khu công nghiệp cần tổ chức lấy mẫu xét nghiệm nhanh thường xuyên. Nếu có điều kiện, nên xét nghiệm tất cả. Nếu không, có thể xét nghiệm ngẫu nhiên hoặc gộp.

Phân luồng đi lại hợp lý để hạn chế giáp mặt tiếp xúc nhau giữa các phân xưởng, người đến - người về. Bố trí giờ ăn và tan ca theo từng đợt để giảm số người tiếp xúc gần nhau.

“Tốt nhất là nên cung cấp thức ăn, nước uống tại chỗ cho từng người. Vị trí làm việc của từng người nên có che chắn hoặc giữ khoảng cách với người khác. Nếu có điều kiện, nên bố trí chỗ nghỉ, ngủ trong nhà máy khi dịch bên ngoài bùng phát.

Nơi làm việc phải thông thoáng, hạn chế sử dụng điều hòa nhiệt độ, cần dùng quạt gió. Thường xuyên lau chùi, vệ sinh các bề mặt bằng xà phòng hoặc chất sát trùng”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ