TP Hồ Chí Minh: "Bán đất" để lấy vốn làm Vành đai 3

GD&TĐ - Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TPHCM vừa có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3. Trong đó, TP dự kiến đấu giá 2.400 ha đất để tạo nguồn lực triển khai tuyến đường.

Huy động nguồn lực đầu tư từ đấu giá đất ra sao?

Báo cáo của Sở TN&MT cho biết, qua rà soát, TP có quỹ đất hơn 2.400 ha vùng phụ cận tuyến đường để đấu giá quyền sử dụng đất gắn với tính toán nguồn thu ngân sách từ quỹ đất vùng phụ cận tuyến đường.

Trong số 2.400 ha đất hiện có, diện tích đất do Nhà nước trực tiếp quản lý là 514,9 ha; diện tích đất do người dân trực tiếp sử dụng là 1.898 ha.

Theo Sở TN&MT TP, quỹ đất này dự kiến sau khi thu hồi sẽ tổ chức đấu giá nên hiện Sở chưa đủ cơ sở xác định nguồn thu. Việc này cần có thời gian để rà soát quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và chỉ có thể thực hiện sớm nhất là vào thời điểm báo cáo khả thi.

Tại Đồng Nai, để tạo nguồn lực đầu tư đường Vành đai 3, tỉnh Đồng Nai đã dự trù khai thác đấu giá 3 khu đất dọc tuyến với tổng diện tích khoảng 214 ha. Giá trị tạm tính có thể thu về cho ngân sách sau khi đấu giá 3 khu đất là 4.332 tỉ đồng. Trong khi đó, quỹ đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Long An đang được rà soát.

Sở TN&MT TPHCM cho biết, tổng nhu cầu sử dụng đất cho các dự án thành phần tuyến đường Vành đai 3 là 642,7 ha (quỹ đất xây dựng đường và công trình liên quan). Dự án có 3.863 hộ dân bị ảnh hưởng giải phóng mặt bằng, trong đó có khoảng 1.476 hộ dự kiến phải bố trí tái định cư. Các địa phương đã chuẩn bị địa điểm, số lượng nền, căn hộ để bố trí tái định cư; riêng Bình Dương, người dân đồng thuận chính sách hỗ trợ để người dân tự lo nơi ở mới.

Trước đó, cuối tháng 1/2022, UBND TPHCM đã có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng Vành đai 3 với tổng mức đầu tư khái toán khoảng 75.777 tỉ đồng. Tuyến đường dài gần 92 km, đi qua địa bàn TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và được chia làm 4 đoạn lớn.

Dự tính thời gian chuẩn bị đầu tư thực hiện từ nay đến năm 2023; giai đoạn 2023 - 2024, dự án sẽ hoàn tất giải phóng mặt bằng; năm 2025, việc thi công tuyến đường cơ bản hoàn thành, thông xe toàn tuyến và sẽ hoàn thiện dự án năm 2026.

UBND TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đề xuất dự án đầu tư công. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 50% (khoảng 39.990 tỉ đồng) tổng mức đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương (riêng Long An tổng mức đầu tư dự án thành phần là 100%). Ngân sách địa phương tham gia thực hiện dự án: TPHCM khoảng 24.380 tỉ đồng; Đồng Nai là 1.624 tỉ đồng; Bình Dương khoảng 9.781 tỉ đồng.

Việc sớm khởi công và hoàn thành đường Vành đai 3 sẽ mang lại sức bật kinh tế liên vùng rất lớn.
Việc sớm khởi công và hoàn thành đường Vành đai 3 sẽ mang lại sức bật kinh tế liên vùng rất lớn.

Cần một cơ chế đặc thù

Để thúc đẩy tiến độ tuyến Vành đai 3 một cách nhanh chóng, ngày 21/3 UBND TPHCM đã có văn bản khẩn gửi Chính phủ về kết quả Hội thảo dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3.

Theo đó, UBND TP đề xuất theo cơ chế đã áp dụng tại Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Về công tác giải phóng mặt bằng cần phải có cơ chế đặc thù để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hiệu quả hơn, tránh kéo dài. Tình trạng pháp lý của đất cần phải được xác định rõ để có giải pháp xử lý phù hợp.

Về nguồn vốn cần làm rõ cơ chế sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương (ngân sách Trung ương cấp hay cho địa phương vay, liên quan đến việc hình thành tài sản, tổ chức khai thác, thu hồi vốn của dự án).

Để đảm bảo cơ sở pháp lý của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án khi Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV trong tháng 5 này, UBND TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An cần khẩn trương báo cáo hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố ban hành nghị quyết thống nhất chủ trương triển khai dự án và cam kết đảm bảo cân đối, bố trí vốn ngân sách địa phương đầu tư các dự án thành phần trên địa phận các địa phương.

Về cơ chế phát triển vùng, đề nghị các địa phương trong vùng nghiên cứu cơ chế hình thành một quỹ đầu tư, tổ chức theo hướng phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để đầu tư xây dựng kết cấu giao thông; thu hồi vốn từ khai thác quỹ đất dọc 2 bên tuyến và thu phí để trả nợ, giảm dần sự phụ thuộc từ nguồn vốn ngân sách Trung ương.

UBND TPHCM là cơ quan điều phối chung, hình thành quỹ phát triển hạ tầng giao thông cho cả vùng, tạo thế tự chủ về nguồn vốn để tiếp tục đầu tư các tuyến đường mang tính chiến lược cho cả vùng.

Nhìn nhận tầm quan trọng của dự án đường Vành đai 3, tại buổi làm việc với Bộ Xây dựng mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM dự kiến đem lại lợi ích kinh tế to lớn không chỉ cho người tham gia giao thông mà còn đem lại lợi ích cho các hoạt động kinh tế - xã hội; nâng cao năng lực vận tải, giảm chi phí logistic để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa… ở khu vực thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Vì vậy, trong quá trình triển khai nghiên cứu hoàn thành báo cáo tiền khả thi dự án, UBND TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã thực hiện công tác thẩm định nội bộ, nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý của thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước, ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan, hoàn chỉnh náo cáo tiền khả thi với mong muốn dự án được thực hiện chặt chẽ về thủ tục cũng như nội dung hồ sơ tốt nhất nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình trong quá trình triển khai dự án sau này

Về khả năng huy động nguồn vốn tăng thêm, Chủ tịch UBND TP cho biết, ngoài tổng mức vốn được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1535/QĐ-TTg là 142.557 tỉ đồng, TP dự kiến có khả năng có thể cân đối nguồn vốn cho đầu tư phát triển cho Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 261.967 tỉ đồng, cao hơn 119.410 tỉ đồng so với mức vốn thông báo của Thủ tướng Chính phủ (142.557 tỉ đồng) để sớm thúc đẩy tuyến Vành đai 3 về đích đúng kế hoạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.