TP HCM hiện có gần 4.400 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn hơn 300.000 con. Trong đó có 278 hộ nuôi lợn bằng thức ăn thừa thu gom tại các nhà hàng, quán ăn với tổng đàn 22.740 con, tập trung tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi và Quận 12.
Mỗi ngày, thành phố cũng tiêu thụ từ 10.000 - 11.000 con lợn, tương đương 800 tấn thịt và một lượng lớn trong số đó nhập từ các tỉnh thành khác. Đây là những nguy cơ xâm nhiễm mầm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào thành phố.
Một trong số những cơ sở giết mổ lợn lớn nhất ở TP HCM là cơ sở Xuyên Á ở huyện Củ Chi có công suất giết mổ khoảng 1.500 con lợn/đêm. Rạng sáng nay (12/3), đoàn công tác của Ban quản lý An toàn thực phẩm TP HCM đã kiểm tra cơ sở này. Phóng viên VOV đã theo chân đoàn công tác và ghi nhận, tại thời điểm kiểm tra, cơ sở giết mổ này chỉ nhập về khoảng 900 con lợn để giết mổ trong đêm. Công tác đảm bảo vệ sinh được thực hiện đúng quy trình và chặt chẽ, tất cả các xe vận chuyển lợn khi ra – vào lò mổ đều được phun thuốc khử trùng. Tại khu vực giết mổ, sàn nhà, bàn mổ đều được vệ sinh sạch sẽ, nhân viên lò mổ mặc đồ bảo hộ đúng quy định. Cán bộ của Chi cục Thú y thành phố cũng có mặt để giám sát và kiểm tra chất lượng lợn nhập vào và xuất đi.
Ông Đặng Ngọc Hiệp, đại diện cơ sở giết mổ Xuyên Á cho biết, sau đợt ăn chay rằm tháng Giêng, số lượng giết mổ có giảm xuống do nhu cầu giảm. Hiện tại cơ sở này duy trì hình thức giết mổ thủ công và đang xây dựng một dây chuyền giết mổ hiện đại đạt chuẩn, dự kiến đến cuối năm nay sẽ đưa vào hoạt động. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Hiệp khẳng định chỉ sử dụng nguồn nước sạch, có tăng cường máy giết mổ bán công nghiệp và chỉ cho phép giết mổ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Trước tình trạng dịch tả lợn Châu Phi đang lan rộng, ông Hiệp cam kết: ”Lợn ở đây đã được cơ sở giết mổ cam kết với các thương lái chỉ nhập lợn ở khu vực miền Đông và miền Tây Nam bộ, đã qua thú y kiểm dịch, tránh nhập lợn qua các trạm trung chuyển để tránh trường hợp trà trộn lợn ở khu vực nhiễm bệnh vào TPHCM”.
Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM, từ ngày 25/2 đến nay, các cơ sở giết mổ trên địa bàn đã tăng cường thực hiện theo vận động của chính quyền thành phố không tiếp nhận nguồn lợn từ các tỉnh phía Bắc đưa vào. Quy trình kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng được tăng cường và thắt chặt.
Cụ thể, khi xe vào cơ sở giết mổ, cán bộ thú y kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch cùng với thông tin thực tế. Lúc xuống lợn, cán bộ thú y quan sát triệu chứng lâm sàng. Những trường hợp số lượng lợn không đúng với chứng nhận kiểm dịch sẽ bị xử phạt hành chính. Trong quá trình giết mổ, cán bộ thú y kiểm tra toàn bộ thân thịt, đầu lòng, các hạch bạch huyết để phát hiện những dấu hiệu bệnh truyền nhiễm hoặc những vết bầm, bệnh tích trong quá trình nuôi.
Ông Phát cho biết: "Với quy trình kiểm soát như vậy thì có thể loại trừ được trường hợp lợn mắc bệnh truyền nhiễm. Sau khi kiểm tra, những thân thịt nào đạt yêu cầu thì cán bộ thú y sẽ đóng dấu kiểm soát giết mổ. Thị lợn sẽ đưa vào trên xe và được niêm phong trước khi chở ra chợ đầu mối”
Hiện nay, thịt lợn ở Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, sức mua sỉ có giảm xuống. Trước đây, bình quân tại chợ mỗi đêm nhập về 5.200 con/đêm thì hiện nay số lượng giảm xuống chỉ còn 4.800 - 5.000 con. Lực lượng chức năng kiểm tra vòng truy xuất nguồn gốc của thịt lợn trước khi cho nhập vào sạp. Các sạp kinh doanh tại chợ đầu mối cũng phải đảm bảo các quy định, yêu cầu về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết: "Chúng tôi không cho thịt đông lạnh vào chợ vì không phù hợp với quy trình kinh doanh thịt lợn tươi. Chúng tôi nhắc nhở tất cả các thương lái phải vệ sinh trang thiết bị sơ chế, chế biến phải sạch sẽ. Công tác vệ sinh môi trường tại chợ được chúng tôi tăng cường gấp đôi”.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, đa số ở các tỉnh thành phía Nam có lượng lợn tự cung tự cấp, trong đó thành phố là nơi tiêu thụ lớn nhất. Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi, bà Lan nhận định: Nguy cơ về lây nhiễm bệnh, đặc biệt bệnh cho đàn lợn còn sống là rất lớn, vì vậy thành phố phải tăng cường công tác kiểm soát.
Đối với các điểm giết mổ tập trung, việc kiểm soát dịch bệnh cũng dễ dàng và thuận tiện hơn so với việc xé lẻ ra hàng ngàn điểm giết mổ đơn lẻ. Từ các điểm giết mổ này, các quy trình được xây dựng tương đối chặt chẽ, bảo đảm vệ sinh, từ đóng dấu thú y, giấy tờ kiểm dịch đến đeo vòng truy xuất nguồn gốc.
Mối lo ngại lớn nhất là từ các chợ đầu mối và các chợ truyền thống, chợ nhỏ lẻ. Các loại lợn bệnh, không đủ tiêu chuẩn sẽ "né" TP HCM để tìm các tỉnh thành khác kiểm soát lỏng lẻo hơn, sau đó lại quay trở về thành phố. Tình trạng giết mổ lậu hoặc thịt lợn tuồn về thành phố không theo đường chính thống qua các chợ đầu mối mà bày bán bên lề đường, bên ngoài chợ rất khó kiểm soát.
Bà Lan cho biết: "Việc này các ngành, các cấp phải cùng nhau vào cuộc. Quan trọng nhất là người dân phải ý thức, chung tay cùng Nhà nước, đừng sử dụng thực phẩm lậu bởi nó tiềm ẩn nhiều mối nguy. Đôi khi rẻ hơn một vài đồng hôm nay nhưng ngày mai phải trả giá bằng sức khoẻ".
Để ứng phó với sự lây lan nhanh của dịch tả lợn Châu Phi từ các tỉnh phía bắc, TPHCM đã gia tăng các điểm chốt chặn các cửa ngõ vào thành phố, thực hiện tích cực việc tăng cường công tác kiểm tra thông qua các cơ chế hoạt động của các đoàn kiểm tra liên ngành; triển khai tháng tiêu độc khử trùng. Đồng thời vận động để nâng cao ý thức của người dân, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không lén lút nhập lợn không rõ nguồn gốc, thực hiện việc tập trung kiểm soát an toàn vệ sinh chăn nuôi.